GBT GDCD 9, bài 16: Quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội của công dân

Thứ hai - 22/01/2018 22:13
Giải bài tập 1, 2, 3, 4, 5, 6 SGK GDCD 9, bài 16: Quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội của công dân.
Bài tập 1: Trong các quyền của công dân dưới đây, quyền nào thể hiện sự tham gia của công dân vào quán lí nhà nước, quản lí xã hội?

a) Quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân;
b) Quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ;
c) Quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân;
d) Quyền được học tập;
đ) Quyền được khiếu nại, tố cáo;
e) Quyền bất khả xâm phạm về thân thể;
g) Quyền tự do kinh doanh;
h) Quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước.


Các quyền: (a), (c), (đ), (h) là quyền thể hiện sự tham gia của công dân về quản lí nhà nước, quản lí xã hội.

Bài tập 2: Em tán thành quan điểm nào dưới đây? Vì sao?

a) Chỉ cán bộ công chức nhà nước mới có quyền tham gia quản lí nhà nước;
b) Tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội là quyền của mọi người;
c) Tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội là quyền và trách nhiệm của mọi công dân.


Em tán thành với quan điểm (c), bởi vì công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội và công dân có trách nhiệm giám sát hoạt động của các cơ quan, tồ chức nhà nước.

Bài tập 3: Trong các hình thức thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội dưới đây, hình thức nào là trực tiếp, hình thức nào là gián tiếp?

a) Tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội;
b) Tham gia ứng cử đại biếu Hội đồng Nhân dân địa phương;
c) Tham gia ý kiến vào dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương;
d) Giám sát hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân địa phương.
đ) Góp ý cho hoạt động của cán bộ, công chức nhà nước trên báo, đài...;
e) Kiến nghị với các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.


- Các hình thức trực tiếp: (a), (b), (c), (d)
- Các hình thức gián tiếp: (đ), (e)

Bài tập 4: Em cùng các bạn trong nhóm hãy thảo luận và góp ý kiến cho nhà trường và Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em ở địa phương về các vấn đề có liên quan đến trẻ em. Ví dụ: Làm thế nào để đảm bảo quyền vui chơi giải trí của trẻ em? Làm thế nào để trẻ em lang thang cơ nhỡ được học tập? Cần làm gì để xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục tốt xung quanh trường học?... (hay bất kì vấn đề nào em thấy là cần thiết và có ích cho trẻ em).

- Để bảo đảm quyền vui chơi giải trí của trẻ em, nhà trường cần tổ chức tốt cho học sinh các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: đi dã ngoại, tổ chức cắm trại, tổ chức liên hoan văn nghệ... ở địa phương: tổ chức các khu vui chơi dành cho trẻ em như công viên dành cho trẻ, nhà văn hoá thiếu nhi...

- Để trẻ bảo đảm môi trường giáo dục tốt xung quanh trường học: Nhà trường và địa phương phải kết hợp để giải toả các tụ điểm bán hàng rong ở cổng trường, nhà hàng, quán karaoke phải thực hiện đúng quy định của địa phương về vệ sinh, an ninh, trật tự...

- Để trẻ em lang thang cơ nhỡ được học tập, nhà trường, địa phương làm tốt công tác phổ cập giáo dục: mở lớp học tình thương, động viên giáo viên, đoàn viên tham gia giang dạy ở các lớp tình thương, miễn học phí, cấp học bổng... Thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động sự đóng góp của các lực lượng trong xã hội để giúp đỡ trẻ cơ nhỡ được đến trường...

Bài tập 5: Trong dịp tổng kết các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phường, bạn Vân - một học sinh lớp 9, rất muốn tham gia ý kiến về các quyền của trẻ em nhưng lại băn khoăn không hiểu mình có được tham gia góp ý kiến không? Theo em, Vân có được quyền tham gia góp ý kiến không? Vì sao? Vân có thể tham gia ý kiến bằng cách nào? Việc tham gia góp ý kiên của Vân thể hiện quyền gì của công dân?

- Bạn Vân có quyền tham gia góp ý kiến, bởi vì Vân thực hiện quyền của công dân tham gia góp ý kiến cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phường.

- Vân có thể tham gia góp ý kiến bằng cách trực tiếp có ý kiến ngay trong buổi tổng kết.

- Việc tham gia góp ý kiến thể hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và quản lí xã hội, đánh giá các hoạt động của các tổ chức xã hội mà cụ thể là Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phường.

Bài tập 6: Theo em, vì sao Hiến pháp quy định công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội?

Vì, Hiến pháp là luật cư bản của Nhà nước, có hiệu lực cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật.

Hiến pháp quy định công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội là nhà nước đảm bảo và không ngừng tạo điều kiện để công dân phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của mình. Công dân có quyền và có trách nhiệm tham gia vào các công việc của Nhà nước, của xã hội để đem lại lợi ích cho xã hội và cho bản thân.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây