Chương trình nghị sự chung của hệ thống Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững
ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga
2024-01-25T21:42:04-05:00
2024-01-25T21:42:04-05:00
https://ibaihochay.site/index.php/cuoc-song/chuong-trinh-nghi-su-chung-cua-he-thong-lien-hiep-quoc-ve-phat-trien-ben-vung-5276.html
https://ibaihochay.site/uploads/news/2024_01/phat-trien-ben-vung.jpg
Bài học hay
https://ibaihochay.site/uploads/bai-hoc-hay-logo.png
Thứ năm - 25/01/2024 21:35
Qua hơn 20 năm phát triển bền vững, mô hình phát triển của thế giới vẫn là kinh tế “nâu”, phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và mất cân bằng sinh thái.
Gần đây, trên phạm vi toàn cầu liên tiếp xảy ra những cuộc khủng hoảng mới, trong đó biến đổi khí hậu (BĐKH) được cho là thách thức lớn nhất của nhân loại trong Thế kỷ 21. Trước bối cảnh đó, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc từ ngày 25-27/9/2015 tại New York, Mỹ. Các vấn đề cơ bản của Chương trình nghị sự 2030 gồm:
Cân bằng ba vấn đề lớn của sự bền vững Chương trình nghị sự 2030 đề xuất phương pháp tiếp cận toàn diện, cân bằng và tích hợp các khía cạnh phát triển bền vững đối với các chiến lược phát triển. Chương trình nghị sự tập trung vào kết hợp và cân bằng ba vấn đề lớn của sự bền vững, đó là: Những nội dung liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Ba vấn đề của sự bền vững này đã được giải quyết trong một khung các cam kết có liên quan tới hành động được thành lập theo 5 yếu tố “P” gồm (5P): Con người (People), Hành tinh (Planet), Thịnh vượng (Prosperity), Hoà bình (Peace) và Đối tác (Partnership), cụ thể như sau:
- Con người: Chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức và mọi khía cạnh; phát huy tiềm năng và nhân phẩm của con người và tăng cường bình đẳng.
- Hành tinh: Bảo vệ hành tinh khỏi sự suy thoái; thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững; quản lý tài nguyên thiên nhiên; hành động vì BĐKH.
- Thịnh vượng: Đảm bảo tất cả mọi người có cuộc sống đầy đủ và thịnh vượng.
- Hoà bình: Thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng và rộng mở, không còn sợ hãi và bạo lực.
- Đối tác: Huy động các phương tiện cần thiết để thực hiện Chương trình nghị sự này thông qua quan hệ đối tác toàn cầu đầy sức sống... với sự tham gia của tất cả các nước, tất cả các bên liên quan và tất cả mọi người.
Các thành phần của chương trình nghị sự Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững gồm 04 thành phần: (1) Tầm nhìn và các nguyên tắc; (2) Khung kết quả; (3) Đối tác toàn cầu và các công cụ thực hiện; (4) Theo dõi và đánh giá. Nội dung cụ thể các thành phần được đề cập như sau:
- Tầm nhìn và các nguyên tắc (được phản ánh trong các tuyên bố): Chương trình nghị sự đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn 15 năm với định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động tiếp nối. Chương trình này được phát triển và xây dựng theo 6 nguyên tắc cơ bản sau:
(1) Quyền làm chủ của quốc gia: Là rất quan trọng để đảm bảo chương trình nghị sự được thiết lập và thực hiện ở cấp quốc gia.
(2) Tiếp cận bao trùm và cùng tham gia: Quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu có sự tham gia toàn diện của tất cả các nhóm trong xã hội, phản ánh tầm quan trọng của việc huy động người dân tham gia để đảm bảo chương trình nghị sự mới thật sự “lấy con người làm trung tâm”.
(3) Tính phổ quát: Các mục tiêu và các chỉ tiêu toàn cầu huy động toàn thế giới, các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển tham gia.
(4) Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước: Nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tất cả các hình thức bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa các nhóm dân cư khác nhau.
(5) Cách tiếp cận dựa trên nhân quyền: Phát triển lấy con người làm trung tâm, phát triển tập trung vào văn hóa và bản sắc, tôn trọng và kết hợp kiến thức truyền thống, chú ý đến căn nguyên gốc rễ, tham gia rộng rãi của công chúng, hòa nhập, trách nhiệm, không phân biệt đối xử, giảm bất bình đẳng, trao quyền, thượng tôn pháp luật, dân chủ, an toàn cá nhân, quản trị tốt, tiếp cận công lý, tiếp cận thông tin, vai trò tích cực đối với xã hội dân sự, hệ thống an sinh xã hội và hợp tác quốc tế có hiệu quả.
(6) Cách tiếp cận tích hợp để phát triển bền vững: Tích hợp chính sách nghĩa là cân bằng cả ba khía cạnh phát triển bền vững: Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
- Khung kết quả: Với tầm nhìn và nguyên tắc đặt ra, Khung kết quả của Chương trình nghị sự 2030 gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, như sau:
Mục tiêu chung 1: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, gồm 7 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 2: Chấm dứt tình trạng thiếu đói, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, gồm 8 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, gồm 13 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 4: Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, gồm 10 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, gồm 9 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 6: Đảm bảo sự sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người, gồm 8 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 7: Bảo đảm sự tiếp cận nguồn năng lượng trong khả năng chi trả, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người, gồm 5 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 8: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người, gồm 12 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững và tăng cường đổi mới, gồm 8 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 10: Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia, gồm 10 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 11: Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư toàn diện, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững, gồm 10 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 12: Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, gồm 11 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 13: Hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với BĐKH và tác động của BĐKH, gồm 5 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 14: Bảo tồn và sử dụng một cách bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững, gồm 10 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 15: Bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái đất, quản lý rừng bền vững, chống lại tình trạng sa mạc hóa, ngăn chặn và phục hồi tình trạng suy thoái đất và ngăn chặn những tổn thất về đa dạng sinh học, gồm 12 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 16: Thúc đẩy các xã hội hòa bình và có tính bao trùm vì phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và toàn diện ở mọi cấp độ, gồm 12 mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu chung 17: Tăng cường các phương thức triển khai và làm mới mối quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững, gồm 19 mục tiêu cụ thể.
- Đối tác toàn cầu và các phương thức thực hiện: Phát triển bền vững là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Để triển khai thực hiện có hiệu quả thì việc tăng cường các quan hệ đối tác toàn cầu, tăng cường các phương thức triển khai và làm mới mối quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững là một yêu cầu tất yếu.
- Theo dõi, đánh giá thực hiện và giám sát (Khung chỉ tiêu theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững “SDGs” cấp độ toàn cầu).
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình nghị sự đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, xanh và sạch; tạo khuôn khổ và định hướng mới cho mọi quốc gia trong việc ứng phó các thách thức chung về kinh tế, xã hội và môi trường.