Cuối những năm 30, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến, tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Việt Nam.
- Tình hình thế giới:
+ Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 đã dẫn tới sự xuất hiện chủ nghĩa phát xít lên cầm quyền ở Đức, Ita-li-a, Nhật Bản, ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh thế giới.
+ Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (7 - 1935) xác định nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là chống chủ nghĩa phát xít, giành dân chủ, bảo vệ hòa bình và chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân rộng rãi.
+ Ở Pháp, Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền (4 - 1936) đã cho thi hành một số chính sách tiến bộ ở thuộc địa.
- Tình hình trong nước:
+ Một số tù chính trị được tha, đã nhanh chóng hoạt động trở lại.
+ Đảng ta cũng như phong trào quần chúng đã được phục hồi.
Những chuyển biến về mặt chính trị ở trong nước và quốc tế đã tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất định cho phong trào đấu tranh ở nước ta. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa phát xít ngay từ đầu là một bộ phận của cách mạng thế giới dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản. Việc Pháp nới lỏng một số quyền tự do, dân chủ và sự hoạt động tự do của các đảng phái chính trị trong nước do chính sách của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp là cơ hội cho Đảng Cộng sản Đông Dương mở rộng ảnh hưởng của mình. Lệnh ân xá tù chính trị đã giúp nhiều đảng viên được ra tù, tích cực hoạt động gây dựng cơ sở, chuẩn bị cho phong trào đất tranh mới.
Mặc dù đây là thời kì nền kinh tế Việt Nam được phục hồi, nhưng nhìn chung chỉ phát triển ở một số ngành. Nền kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng ảm đạm, đời sống nhân dân không được cải thiện, mâu thuẫn xã hội vẫn tiếp tục gay gắt. Vì thế, các tầng lớp, giai cấp trong xã hội đều hăng hái tham gia vào phong trào đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình do Đảng lãnh đạo năm 1936 - 1939.