Vì sao thực dân Pháp lại biến Điện Biên Phủ thành tâm điểm của kế hoạch Na-va?
+ Khi kế hoạch Na-va bước đầu bị phá sản, phát hiện quân chủ lực của ta tiến quân lên Tây Bắc, Na-va quyết định có lực lượng về giữ Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ là một thung lủng nằm ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào, cách Hà Nội 300 km, cách Luông Pha-băng 200 km, cách hậu phương của ta (Việt Bác, Thanh - Nghệ - Tĩnh) từ 300 đến 500 km. Đối với Pháp đây là vị trí chiến lược then chốt, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân trong âm mưu xâm lược của chúng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Trước mắt, Điện Biên Phủ có tác dụng thu hút chủ lực của ta, tạo cho chúng bình định đồng bằng Bắc Bộ, đánh chiếm Liên khu V. Điện Biên Phủ từ chỗ không nằm trong nội dung của kế hoạch Na- va đã trở thành tâm điểm của kế hoạch Na-va.
+ Để thực hiện mưu đồ trên, Na-va tăng dần số quân chiếm đóng ở Điện Biên Phủ lên 16.200 tên, gồm những đơn vị thuộc các binh chủng tinh nhuệ nhất, ở Đông Dương. Chúng cho xây dựng ở đây 49 cứ điểm, 2 sân bay, chia làm 3 phân khu: Trung tâm Mường Thanh, Bắc và Nam. Tất cả các vị trí đều nằm trong công sự và giao thông hào chìm dưới mặt đất rất kiên cố... Chính vì vậy, Pháp - Mĩ coi Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “cái máy nghiền khổng lồ” và tuyên bố giữ căn cứ này với bất cứ giá nào.