PHƯƠNG PHÁP THUYẾT MINH
A. NHỮNG VẤN ĐỀ KIẾN THỨC CẦN LƯU Ý
1. Thuyết minh là một phương thức biểu đạt trong làm văn và là phương thức chính trong văn bản thuyết minh. Phương thức này dùng một hình thức ngắn gọn, chính xác, sáng rõ, dễ hiểu để trình bày, giới thiệu, lí giải về đặc trưng, tính chất của một đối tượng nào đó.
Mục đích của văn bản thuyết minh là cung cấp cho người đọc, người nghe những tri thức khách quan khoa học về đối tượng để hướng tới ứng dụng trong thực tiễn đời sống. Chính bởi vậy văn bản này không yêu cầy người viết phải hư cấu, tưởng tượng làm sai khác những đặc điểm khách quan của đối tượng; cũng không đòi hỏi người viết phải bộc lộ những suy nghĩ chủ quan trong khi viết. Trung thành với những gì có thực ở đối tượng, tôn trọng sự thật khi trình bày là yêu cầu cao nhất của văn bản thuyết minh.
Để có thể thực hiện được mục đích, yêu cầu này, điều kiện cần có trước hết là người thuyết minh phải hiểu biết về đối tượng thuyết minh. Sự hiểu biết này không dừng lại ở mức độ chung chung đại khái hoặc vụn vặt, phiến diện, thiếu căn cứ mà phải là sự hiểu biết đầy đủ, chính xác, toàn diện, có cơ sở rõ ràng.
Thế nhưng có hiểu biết không thôi chưa đủ, có hiểu biết nhưng không biết cách truyền đạt để người đọc, người nghe có thể lĩnh hội một cách dễ dàng, thấu đáo thì cũng không có ý nghĩa gì.
Mỗi văn bản thuyết minh ngoài mục đích chung là cung cấp trí thức khái quát khoa học còn có những mục đích cụ thể gắn liền với từng vấn đề đang thuyết minh. Để thực hiện được mục đích chung và đặc biệt là mục đích riêng của từng văn bản thì phương pháp thuyết minh là điều vô cùng quan trọng. Giữa phương thức và mục đích có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mục đích là cơ sở để xác định một phương pháp phù hợp, phương pháp phù hợp sẽ giúp đạt được mục đích.
Tìm hiểu các phương pháp thuyết minh là điều cần thiết để tiếp nhận và tạo lập các văn bản thuyết minh có hiệu quả.
2. Phương pháp thuyết minh là một hệ thống những cách thức mà người thuyết minh sử dụng để đạt được mục đích đã đề ra.
Có những phương pháp thuyết minh thường gặp như:
a) Định nghĩa: Cấu trúc A là B, trong đó B là phần chỉ ra toàn bộ những đặc điểm bản chất của đối tượng, là những đặc trưng để phân biệt đối tượng với đối tượng khác. Phần B đặt đối tượng vào một loại lớn hơn bao chứa đối tượng đang thuyết minh.
Ví dụ: Tự sự là một loại tác phẩm dùng lời kể tái hiện lại những việc làm, biến cố nhằm dựng lại một dòng đời như đang diễn ra một cách khách quan. Qua đó bày tỏ một cách hiểu và một thái độ nhất định.
(Thể loại tác phẩm văn học, SGK Văn học nước ngoài 11)
b) Chú thích: Cấu trúc giống với phương thức định nghĩa: A là B
Khác ở chỗ phần B không nhất thiết phải đạt được những yêu cầu như phần B trong phương pháp định nghĩa. B ở đây có thể mới chỉ nêu lên một khía cạnh nào đó, trong đặc điểm bản chất của đối tượng, cũng có khi chưa nêu lên được bản chất của đối tượng. Phương pháp chú thích nhằm gọi tên, giải thích, là rõ một điểm nào đó ở đối tượng.
Ví dụ: Dừa sáp là đặc sản nổi tiếng của huyện Cầu Kè.
(Dừa sáp, Thanh Thuý, báo TNTP số 80, 20).
c) Giảng giải nguyên nhân kết quả:
Phương pháp này yêu cầu người thuyết minh trước hết phải trình bày nguyên nhân, tiếp sau đó nêu lên kết quả của vấn đề đang thuyết minh. Phương pháp này giúp người đọc có những hiểu biết về cả một quá trình hình thành vấn đề
Ví dụ: Một lần xem phim, ông thấy những người Trung Quốc khoẻ mạnh hăm hở đi xem người Nhật chém một người Trung Quốc làm gián điệp cho quân Nga (chiến tranh Nga – Nhật). Ông bỗng giật mình mà nghĩ rằng: chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân). Và thế là ông chuyển sang làm văn nghệ.
(Lỗ Tấn, SGK Văn học nước ngoài 12)
d) Phương pháp phân loại: Là phương pháp mà khi sử dụng người thuyết minh phải phân chia đối tượng thành những bộ phận nhỏ, tiếp đó giới thiệu, trình bày về những bộ phận đã được phân chia đó.
Ví dụ: Hệ thống của thể loại văn học dân gian gồm có:
1, Thần thoại: tác phẩm tự sự dân gian thường kể về các vị thần, nhằm giải thích tự nhiên, thể hiện khác vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hoá của con người thời cổ đại.
2. Sử thi: tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại v,v…
(SGK Ngữ văn 10, tập I)
e) Phương pháp liệt kê: người thuyết minh kể ra những bộ phận nhỏ, cụ thể được chứa đựng trong bộ phận lớn hơn hoặc trong toàn thể. Ở phương pháp này, người thuyết minh không cần phải giới thiệu, trình bày đặc điểm của từng bộ phận nhỏ đã được liệt kê như ở phương pháp phân loại.
Ví dụ: Cuối năm 1891, Alêchxây lại một lần nữa đi chu du khắp nước Nga, vừa đi vừa kiếm sống. Anh đã từng làm thợ khuân vác ở Rôxtô, làm tá điền ở Ukraina, đi làm ở mỏ muối, hái nho thuê ở Betxarabi, khuân vác ở cảng Ođetxa, quai búa lò rèn và làm kế toán trong xưởng sữa chữa tàu ở Tinhlix, đắp đường Xukhum – Nôvôrôtxixcơ.
(SGK Văn học nước ngoài 12)
g) Phương pháo so sánh: So sánh vấn đề thuyết minh với vấn đề khác có tính tương đồng hoặc khác biệt để làm nổi rõ vấn đề cần thuyết minh.
Ví dụ: Bất giác ta nghĩ đến các vị hiền triết ngày xưa như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn hay Nguyễn Bỉnh Khiêm sống ở quê nhà với những thú quê thuần đức:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…
Nếp sống giản dị và thanh đạm của bác Hồ, cũng như các vị danh nho xưa, hoàn toàn không phải là một cách tự thần thánh hoá, tự làm cho khác đời, hơn đời, mà đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẫm mĩ về cuộc sống có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác.
(Phong cách Hồ Chí Minh, SGK Ngữ văn 9, tập II)
h) Phương thức dùng số liệu: thuyết minh bằng cách nêu lên những con số cụ thể đã được thống kê.
Ví dụ: Theo thống kê của hội nghị Cai-rô (Ai Cập) họp ngày 5 - 9 - 1994 thì tỉ lệ sinh con của một phụ nữ Ấn Độ là 4,5; Nê-pan: 6,3; Ru-an-đa: 8,1; Tan-da-ni-a: 6,7; Ma-đa-gát-xca: 6,6… Tính chung toàn Châu Phi là 5,8. Phụ nữ Việt Nam là 3,7.
(Bài toán dân số, SGK Ngữ văn 8, tập I)
i) Phương pháp nêu ví dụ: Nêu lên một vài bằng chứng cụ thể, điển hình để thuyết minh.
Ví dụ: Và đây là một ví dụ khác trong lĩnh vực y tế: Giá của 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân kiểu tàu Ni-mít trong số 15 chiếc mà Hoa Kì dự định đóng từ nay đến năm 2000, cũng đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong cũng 14 năm đó và sẽ bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em, riêng cho Châu Phi mà thôi.
(Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, SGK Ngữ văn 9, tập I)
k) Phương pháp phân tích: Chia nhỏ đối tượng thành nhiều mặt và xem xét trình bày đặc điểm từng mặt một. Sau đó đưa ra một kết luận chung.
Ví dụ: Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc, thấm vào cơ thể. Nạn nhân đầu tiên là những lông rung của những tế bào niêm mạc ở vòm họng, ở phế quản, ở nang phổi bị chất hắc ín trong khói thuốc lá làm tê liệt. Các lông mao này có chức năng quét dọn bụi bặm và các vi khuẩn theo luồng không khí tràn vào phế quản và phổi; khi các lông mao ngừng hoạt động, bụi và vi khuẩn không được đẩy ra ngoài, tích tụ lại gây ho hen và sau nhiều năm gây viêm phế quản.
(Ôn dịch, thuốc lá, SGK Ngữ văn 8, tập I)
3. Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục cao nhất đòi hỏi người thuyết minh phải biết lựa chọn, biết vận dụng và phối hợp một cách linh hoạt, hợp lí các phương pháp thuyết minh. Lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp như thế nào phải do mục đích thuyết minh quyết định. Ngoài mục đích cụ thể gắn liền với mỗi vấn đề cần thuyết minh thì phải luôn bám sát mục đích chung đó là làm rõ ràng, nổi bật bản chất và đặc trưng của đối tượng; đồng thời còn phải khiến cho người tiếp nhận văn bản thuyết minh có thể lĩnh hội tri thức một cách dẽ dàng và hứng thú. Đó là yêu cầu đối với việc vận dụng phương pháp thuyết minh trong quá trình tạo lập văn bản.
B. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Ôn tập các phương pháp thuyết minh đã học:
a) Những phương pháp thuyết minh đã sử dụng trong các đoạn trích.
- Đoạn thứ nhất: phương pháp nêu ví dụ
- Đoạn thứ hai: phương pháp liệt kê
- Đoạn thứ ba: phương pháp dùng số liệu và so sánh
- Đoạn thứ tư: phương pháp phân tích
b) Tác dụng của từng phương pháp trong việc làm cho từng sự vật hay hiện tượng được thuyết minh thêm chuẩn xác, sinh động và hấp dẫn.
- Đoạn trích thứ nhất thuyết minh về việc Trần Quốc Tuấn khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước. Để thuyết minh cho vấn đề này người ta viết đưa ví dụ: “Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô…”. Phương pháp nêu ví dụ đã giúp vấn đề cần thuyết minh hiện lên một cách rõ ràng, chuẩn xác bằng những dẫn chứng cụ thể, xác thực trong thực tế.
- Đoạn thứ hai: Thuyết minh về bút danh của nhà thơ. Phương pháp liệt kê cung cấp cho người đọc (người nghe) tất cả những bút danh mà Basô đã sử dụng trong cuộc đời sáng tác của mình.
- Đoạn thứ ba: Thuyết minh về số lượng khổng lồ của các tế bào trong cơ thể người. Để thuyết minh tác giả thống kê các con số cụ thể giúp người đọc có được những tư liệu chính xác; đồng thời so sánh những con số đó với số lượng những gì tinh tú trong vũ trụ để người đọc có thể hình dung được số lượng tế bào trong cơ thể con người nhiều đến như thế nào. Phương pháp này đã giúp cho nội dung thuyết minh hiện lên rất sinh động.
- Đoạn thứ tư: Thuyết minh về sự giản dị của nhạc cụ hát trống quân. Tác giả phân tích cấu tạo hình dạng bên ngoài và cách thức phát ra âm thanh của nhạc cụ. Người đọc được cung cấp đầy đủ những tri thức về đặc điểm của nhạc cụ và thấy rõ sự đơn giản của nó.
2. Một số phương pháp thuyết minh mới:
a) Câu văn ‘Basô là bút danh” không phải là cách thuyết minh bằng định nghĩa. Bởi vì vế sau là bút danh chưa nêu lên được những đặc điểm bản chất giúp người đọc phân biệt Basô với các nhà thơ, nhà văn khác.
Ở đây tác giả thuyết minh bằng cách chú thích. Thuyết minh bằng chú thích tức là người thuyết minh không nêu lên tất cả những đặc điểm có tính bản chất, đặc trưng riêng biệt của đối tượng mà chỉ nêu lên một cách ngắn gọn một ý nghĩa cụ thể nào đó có khi không phải là bản chất của đối tượng đang được nêu ra.
Hạn chế của phương pháp này so với phương pháp thuyết minh bằng định nghĩa là độ chuẩn xác, đầy đủ, toàn diện thấp hơn, nhưng ưu điểm của nó là sử dụng dễ dàng hơn, có tính mềm dẻo và linh hoạt hơn.
b) Đoạn văn nói về lai lịch của bút danh Basô là chủ yếu. Bởi vì nói về niềm say mê cây chuối của Basô thực chất là lí giải vì sao tác giả lại có bút danh đó chứ không phải là niềm say mê cây chuối của nhà thơ.
Các ý của đoạn văn có quan hệ nhân quả với nhau. Ý nguyên nhân là ý thứ nhất: niềm say mê cây chuối. Ý kết quả là ý nói về việc lựa chọn bút danh Basô - mang nghĩa “cây chuối”. Mối quan hệ này đã được trình bày một cách hợp lí và sinh động.
C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Đoạn trích thuyết minh về loài hoa lan, cung cấp những tri thức về một loài hoa quí được ưa chuộng trên khắp thế giới.
Để thực hiện được mục đích thuyết minh, người viết đã lựa chọn, vận dụng và phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh: Chú thích (lan là loài hoa luôn được đánh giá thống nhất, lan là loài hoa lan của phương đông và phương tây), phân loại, (các nhóm trong họ nhà lan), nêu ví dụ (chi lan Hài vệ nữ), liệt kê. Tác giả đã lựa chọn, vận dụng và phối hợp những phương pháp thuyết minh trên một cách phù hợp và khéo léo. Người đọc (người nghe) nhanh chóng có được những hiểu biết khá đầy đủ về loài hoa này thông qua phần thuyết minh của tác giả: Từ sự đánh giá thống nhất đối với hoa lan, từ cách gọi thể hiện sự tôn vinh của phương đông, phương tây cho đến đặc điểm của dáng, màu sắc của lan Hài vệ nữ. Không chỉ vậy, phần thuyết minh của tác giả còn rất rõ ràng, rất sinh động, khiến cho người tiếp nhận có thể lĩnh hội tri thức một cách dễ dàng và hứng thú. Đó là thành công có được nhờ việc biết lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh của tác giả.