BỒI DƯỠNG NGỮ VĂN 10
VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 4: VĂN THUYẾT MINH
A. NHỮNG KIẾN THỨC CẦN CHÚ Ý
1. Văn thuyết minh các em đã học ở lớp 8 và lớp 9, tuy nhiên, đây là bài văn thuyết minh đầu tiên các em là ở bậc Trung học phổ thông. Vì vậy, để làm tốt bài văn, trước hết các em cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về kiểu bài văn thuyết minh:
- Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp trí thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu giải thích. Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi phải khách quan, xác thực, có ích. Văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.
- Muốn có tri thức để làm tốt văn bản thuyết minh, người viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, để tránh sa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng . Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương thức thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại…
- Bố cục bài văn thuyết minh gồm có 3 phần:
+ Mở bài: giới thiệu đối tượng thuyết minh.
+ Thân bài: trình bày cấu tạo, các đặc điểm, lợi ích… của đối tượng.
+ Kết bài: bày tỏ thái độ đối với tượng.
B. GỢI Ý ĐỀ BÀI
ĐỀ 1: Viết một bài văn thuyết minh về vai trò của rừng trong việc bảo vệ môi trường.
Gợi ý lập dàn bài:
Mở bài: Giới thiệu một cách khái quát về vai trò quan trọng của rừng trong việc bảo vệ môi trường.
Thân bài: Lần lượt thuyết minh các nội dung cơ bản sau:
- Rừng là lá phổi của trái đất, cung cấp một khối lượng khổng lồ ô xy để duy trì sự sống của sinh vật trên trái đất.
- Rừng là môi trường sinh sống của hầu hết động vật trên trái đất, nó góp phần giữ sự cân bằng sinh thái.
- Rừng, nhất là rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn, góp phần quan trọng bậc nhất trong việc chống xói mòn của lũ lụt, chống sự xâm thực của sông, biển.
Khi khái quát lại nội dung thuyết minh, có thể liên hệ tới việc phá hoại rừng hiện nay để thấy nguy cơ của sự phá hoại môi trường.
Kết bài: Đánh giá khái quát tầm quan trọng của rừng và có thể liên hệ tới việc bảo vệ rừng hiện nay chính là đang bảo vệ môi trường sống của trái đất.
Đề 2: Viết một bài văn thuyết về tác hại của ma tuý đối với đời sống con người.
Gợi ý lập dàn bài:
Mở bài: Giới thiệu khái quát: ma tuý là hiểm hoạ đối với đời sống con người.
Thân bài: Lần lượt thuyết minh các nội dung sau:
- Chất ma tuý là gì:
Gồm có nhiều loại nhưng đều là chất gây nghiện, gây tê liệt thần kinh, làm mất khả năng tự chủ của con người.
- Những tác hại của ma tuý đối với đời sống con người:
+ Ma tuý là loại gây nghiện, người dùng nó dần dần thần kinh bị tê liệt, sẽ mất khả năng tự chủ.
+ Nghiện ma tuý là con đường dẫn đến căn bệnh thế kỉ HIV – AIDS.
+ Ma tuý gây tổn hại về kinh tế cho cá nhân, gia đình, nhà nước, làm suy kiệt giống nòi.
+ Ma tuý đã phá vỡ hạnh phúc của rất nhiều gia đình trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên.
+ Cuộc chiến chống ma tuý đang là một mặt trận được nhiều nước quan tâm. Trong cuộc chiến này, không những kẻ buôn bán, tàn trữ và nghiện ngập ma tuý bị bắt giữ, thậm chí bị tử hình mà nhân dân và nhà nước thiệt hại cũng rất nhiều, cái mất lớn nhất là sự mất trật tự xã hội.
- Điểm qua tình hình ma tuý trên đất nước ta hoặc địa phương của mình và những việc cần làm để đẩy lùi và tiêu diệt ma tuý. Liên hệ với học sinh và nhà trường.
Kết bài: Nêu khái quát tác hại của ma tuý; cảnh tỉnh mọi người, nhất là thanh thiếu niên hãy cảnh giác và tránh xa ma tuý. Nhiệm vụ của học sinh và nhà trường.
Đề 3: Một kinh nghiệm làm văn
Phần thân bài cần làm được các nội dung sau:
1. Trước hết phải tìm hiểu kĩ đề bài: Tìm hiểu đề bài là một khâu quan trọng trong quá trình làm bài nhằm xác định được yêu cầu của đề bài, tránh lạc đề, xa đề. Tìm hiểu đề là tìm hiểu yêu cầu về nội dung (đề yêu càu giải quyết vấn đề gì); yêu cầu về kiểu văn bản (văn thuyết minh, nghị luận, biểu cảm…) và yêu cầu về phạm vi tư liệu (tư liệu lấy trong đời sống, trong sách vở, trong phạm vi một tác giả, tác phẩm…)
2. Huy động kiến thức:
+ Huy động kiến thức về nội dung: Căn cứ vào yêu cầu về nội dung để huy động vốn hiểu biết của mình về vấn đề đó, xem vấn đề có cần giải quyết thuộc lĩnh vực nào.
+ Huy động kiến thức về kiểu văn bản: Mỗi kiểu văn bản có một cách làm riêng, vì vậy phải huy động những hiểu biết của mình về kiểu văn bản để xác định phương pháp làm bài, cách lập dàn ý.
3. Lập dàn ý: Sau khi đã huy động kiến thức cần phải lập dàn ý. Dàn ý là bố cục là hệ thống các dàn ý của bài viết được trình bày dưới dạng những mệnh đề khái quát và ngắn gọn. Dàn ý còn phải thể hiện được mức độ đậm nhạt của các ý (tham khảo thêm các bài lập dàn ý đã học).
4. Viết thành bài: Căn cứ vào dàn ý để viết thành bài văn. Cần chú ý cách dùng từ, đặt câu, cách diễn đạt và sự liên kết các ý trong đoạn, trong bài. Viết bài, ngoài hiểu biết phải thật sự nhập tâm vào vấn đề đang viết thì bài viết mới có hồn, mới rung cảm được người đọc.
5. Kiểm tra bài: Sau khi hoàn chỉnh bài viết cần đọc lại một vài lần để kiểm tra lại xem còn thiếu vấn đề gì để bổ sung, còn sai những lỗi gì để sữa chữa…