Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, viết bài làm văn số 6: Văn thuyết minh văn học

Thứ sáu - 18/12/2020 04:04
Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương pháp trình bày, giới thiệu, giải thích.
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, viết bài làm văn số 6: Văn thuyết minh văn học

VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 6: VĂN THUYẾT MINH VĂN HỌC

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRƯỚC KHI LÀM BÀI

1. Đây là bài làm văn theo kiểu văn bản thuyết minh văn học. Vì vậy các em cần nhớ một số kiến thức sau đây về kiểu văn bản thuyết minh:
   - Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương pháp trình bày, giới thiệu, giải thích. Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi khách quan, xác thực, hữu ích cho con người. Văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.
   - Muốn có tri thức để làm tốt văn bản thuyết minh, người viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, để tránh sa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng. Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương thức thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại…

2. Đề ra có thể yêu cầu thuyết minh về tác giả văn học, tác phẩm văn học, loại thể văn học hay kết hợp thuyết minh về một tác giả, tác phẩm. Vì vậy, ngoài việc nắm vững kiến thức về văn bản thuyết minh, cần ghi nhớ những phần gợi ý làm bài in trong sách giáo khoa. Bài làm phải có bố cục ba phần, cân đối. Cần viết ngắn nhưng đầy đủ nội dung. Chú ý đến chữ viết, các loại lỗi về chính tả, ngữ pháp, dùng từ để hạn chế đến mức tối đa các loại lỗi.

3. Bài văn tham khảo: Thuyết minh về tác giả Phạm Ngũ Lão và tác phẩm "Tỏ lòng"


Tác giả Phạm Ngũ Lão là người con được sinh ra trên mảnh đất Phù Ủng (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) vào năm Ất Mão – 1255. Ông sinh vào thời vương triều nhà Trần đang cùng quân dân cả nước đứng lên chống lại quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ 2. Xuất thân của ông đã là một huyền thoại đối với dân gian, con người làng Phù Ủng ấy với tính tình khẳng khái, ý chí khác người, luôn phấn đấu không ngừng trên con đường công danh của mình.

Có thể thấy được một người có xuất thân từ miền quê bình thường, nhưng lại lọt vào con mắt của vị đại tướng triều Trần, điều này đã chứng tỏ được tài chí của Phạm Ngũ lão cũng như khả năng dùng người của các thánh tướng thời bấy giờ. Với tài năng thiên bẩm của mình, lại được sự chỉ dạy của đích thân thánh tướng Trần Quốc Tuấn đã giúp ông mau chóng trở thành người vị tướng kiệt xuất trong cả hai lần cùng dân tộc đánh dậy đánh bại quân Nguyên – Mông. Những ngày tháng sau đó, ông trở thành phò tá đắc lực cho ba đời vua Trần, lập không ít chiến công, đánh dẹp quân Chiêm Thành và Ai Lao, cũng như dẹp loạn tại các vùng biên giới.Là người đức độ tài cao, Phạm Ngũ Lão đã là nhân vật đi vào lịch sự được các thế hệ mến mộ, kính trọng, những con người quê hương Phù Ủng luôn thờ và nhớ ơn ông. Đặc biệt là người dân Hưng Yên ngày nay, để tưởng nhớ công ơn của ông với đất nước, hàng năm đều tổ chức lễ hội Phù Ủng. Cho đến ngày nay, trên khắp cả nước có rất nhiều nơi lập đền thờ để thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão, để đời đời con cháu ghi nhớ công ơn của ông.

Chính bởi Phạm Ngũ Lão là người chinh chiến trên chiến trường nhiều năm, nên ông luôn đề cao vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng dân tộc, anh dũng, hiên ngang với tư tưởng lớn lao, thế nên ngay trong hai câu thơ đầu tác giả đã thể hiện hình ảnh người anh hùng với khí chất hùng dũng:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quốc tì hổ khí thôn ngưu”


Dịch thơ:

“Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”


Trong câu thơ đầu, từ “Hoành sóc” mà tác giả sử dụng có nghĩa là “múa giáo”, ý muốn nói đến hình ảnh người anh hùng đang hiên ngang cầm mũi giáo trên tay đứng bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, khi sử dụng từ “Hoành sóc” tác giả mới có thể diễn tả hết được khí thế hiên ngang của một con người với tinh thần anh dũng, sắt đá, trần đầy nhiệt huyết, sẵn sàng dâng cao ngọn giáo, xả thân vì nước.

Phạm Ngũ Lão không hề chỉ định rõ chủ ngữ là ai, nhưng khi đọc ai cũng có thể liên tưởng đến ông đang nói về một người anh hùng dân tộc – những con người không phân biệt bất kể thời gian, không gian hoàn cảnh như thế nào, học chỉ cần biết rằng dù là nơi đâu trên mảnh đất này đều là tình yêu của họ, và rồi dù có phải “trải mấy thu” thì họ vẫn luôn như vậy, vẫn luôn một lòng yêu nước đến bất tận, và từ những con người trân quý như vậy, đạo tạo ra một quân đội hùng mạnh:

“Tam quốc tì hổ khí thôn ngưu”

Câu thơ này có thể được hiểu theo 2 cách, có thể hiểu rằng “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu” và người đọc cũng có thể hiểu theo ý khí thế như là sao Ngưu, át cả sao trời. Có lẽ, không có một câu văn hay bất kể từ ngữ nào có thể diễn tả về sự hùng hậu và chí khí của đội quân nhà Trần, đến mức mà tác giả còn phải mượn hình ảnh sao Ngưu để diễn tả.

“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”


Dịch thơ:

“Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”


Đối với tác giả Phạm Ngũ Lão, một đấng nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất” phải lập được công danh với đất nước. Tư tưởng cao cả của ông được thể hiện qua câu “Nam nhi vị liễu công danh trái”. Ngay từ ngày còn là một thanh niên, ông không bao giờ cho phép mình được tầm thường, thấp kém, ông luôn tự hướng mình đến những điều mạnh mẽ lớn lao. Bởi vậy, khi nhìn đến hình ảnh Vũ hầu ông lại khiêm tốn và sử dụng từ “luống thẹn”.

Vũ hầu chính là Gia Cát Lượng, một người tài trong thời Tam Quốc, có công lớn trong việc giúp Lưu Bị gầy dựng lại triều đại nhà Hán, sau được phong làm Vũ Lượng hầu (thường được gọi tắt là Vũ hầu). Không phải không có lý gì khi Phạm Ngũ Lão lại nhắc tới vị danh tướng này trong các vần thơ của mình, đó chính vì Vũ hầu chính là động lực, là lý tưởng cao đẹp để ông có những cố gắng và cống hiến hết sức mình cho dân tộc.

Cả cuộc đời của Phạm Ngũ Lão, ông luôn muốn được làm gì đó cho nước, cho dân. Sự bày tỏ sự hổ thẹn của mình càng khiến cho người đọc cảm nhận được nhân cách cao cả của ông, ông có một lý tưởng thực sự của một người anh hùng, xứng đáng trở thành một đấng nam nhi ở thiên hạ. Thế nhưng đối với ông, như thế vẫn là chưa đủ, ông vẫn luôn cảm thấy sự cống hiến của bản thân dành cho đất nước là quá ít. Từ đó ông luôn tự nhủ với bản thân mình phải thật sự cố gắng hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa. Những lời văn, ý thơ, từ ngữ được ông sử dụng với giọng điệu đầy hào hùng, dứt khoát đã góp phần không nhỏ thể hiện lòng quyết tâm cùng với tâm tư tình cảm của Phạm Ngũ Lão, người đọc hoàn toàn có thể thấy ông là một vị tướng “văn võ song toàn”.

Phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) để cảm nhận ý nghĩa sâu sắc trong từng áng văn. Qua tác phẩm thơ của ông, Phạm Ngũ Lão đã để lại cho các thế hệ sau này một bài học quý báu, sâu sắc về lý tưởng sống, ông hướng cho các thế hệ mai sau một suy nghĩ sống là phải không ngừng phấn đấu, không ngừng vươn lên, luôn hướng bản thân đến những điều tốt đẹp, luôn cố gắng phấn đấu hết sức mình để góp phần bảo vệ quê hương, tổ quốc, non sông thân yêu.

Với biện pháp tu từ “Thậm xưng” được tác giả sử dụng chính trong bài thơ đã tăng thêm phần sáng tạo, chính vì vậy những hình tượng thơ trong bài luôn mang một tầm vóc vũ trụ. Những hình ảnh được tác giả mang ra so sánh trong bài thơ cũng hết sức độc đáo, nó không chỉ khơi nguồn cảm hứng trong thơ ca mà còn thể hiện sức mạnh dân tộc to lớn, trở thành một thành tích thơ ca sáng gia trong nền văn học nước nhà thời bấy giờ.

Qua bài phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão sẽ thấy rằng tác giả đã thể hiện thành công, nổi bật hình ảnh người chiến sĩ anh hùng với những khao khát, ước mơ cháy bỏng có thể lập được chiến công để báo nợ đất nước, báo đáp ơn vua. Khát vọng ấy, thể hiện rực rỡ tấm lòng kiên trung, ái quốc của người anh hùng dân tộc. Bài thơ được ông viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, với giọng điệu oai vệ, hùng tráng, ngôn ngữ, ý thơ lại mạnh mẽ, hàm súc, bài thơ như một khúc tráng ca, nêu cao hình ảnh của những người chiến sĩ đời Trần.

Đặc biệt người đọc có thể lấy hình ảnh oai hùng, lẫm liệt của quân dân nhà Trần để làm tấm gương học tập và noi theo. Bản thân là một đấng nam nhi hãy luôn thẳng thắn, kiên cường, luôn sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ đất nước bất cứ ở nơi đâu và khi nào. Trong cuộc sống hiện tại, một số bạn trẻ còn đang chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân, vẫn mải chơi bời, không chú tâm đến học tập và chưa có các hành động để xây dựng một tương lai tốt đẹp, vậy thì ngay bây giờ, hãy đặt lại cho bản thân những suy nghĩ đúng đắn, bắt tay ngay vào việc phấn đấu hoàn thiện bản thân, mà trước hết đó chính là quyết tâm học tập. Đồng thời cần loại bỏ những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội ra khỏi cuộc sống bản thân, để góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp, văn minh hơn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây