Truyện ngụ ngôn là gì, các đặc điểm của truyện ngụ ngôn
Bài Học Hay
2024-02-01T08:45:17-05:00
2024-02-01T08:45:17-05:00
https://ibaihochay.site/index.php/ngu-van-7/truyen-ngu-ngon-la-gi-cac-dac-diem-cua-truyen-ngu-ngon-5287.html
https://ibaihochay.site/uploads/news/2024_02/truyen-ngu-ngon-thay-boi-xem-voi.jpg
Bài học hay
https://ibaihochay.site/uploads/bai-hoc-hay-logo.png
Thứ năm - 01/02/2024 08:41
Truyện ngụ ngôn là hình thức tự sự tái hiện đời sống khách quan, sử dụng lối diễn đạt ám chỉ, ngụ ý, bóng gió để người đọc, người nghe có thể chiêm nghiệm, suy ngẫm, rút ra những bài học cho mình.
Truyện ngụ ngôn thường gồm hai phần:
– Phần thứ nhất là cốt truyện.
– Phần thứ hai là bài học luân lí, đạo đức, kinh nghiệm cuộc sống được rút ra.
Trong nhiều tác phẩm, phần thứ hai có thể không xuất hiện hoặc bị lược bỏ, bài học được người đọc tự đúc rút thông qua cốt truyện, nhân vật.
Một số truyện ngụ ngôn như: Mèo khen mèo dài đuôi, Thầy bói xem voi, Chân, tay, tai, mắt, miệng, Đẽo cày giữa đường, Qua mặc áo lông công, Cà cuống với người tịt mũi, Thả mồi bắt bóng, Mèo ăn chay, Đeo nhạc cho mèo…
Các đặc điểm của truyện ngụ ngôn
1. Quy mô và hình thức
– Truyện ngụ ngôn có quy mô nhỏ, ngắn gọn.
– Truyện ngụ ngôn thường được viết bằng văn xuôi hoặc thơ. Hình thức thơ ở truyện ngụ ngôn xuất hiện muộn với vai trò đóng góp quan trọng của nhà thơ La Phông-ten.
2. Đề tài
– Đề tài trong truyện ngụ ngôn thường là cách ứng xử hoặc đạo đức của con người trong cuộc sống.
3. Nhân vật
– Nhân vật truyện ngụ ngôn là con người hoặc con vật, đồ vật được nhân hóa nhằm chuyển tải bài học đạo đức, kinh nghiệm sống.
– Nhân vật truyện ngụ ngôn thường không được định danh bằng tên riêng cụ thể, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy bói, bác nông dân.
– Nhân vật trong truyện ngụ ngôn thường được xây dựng ở các phương diện hành động, suy nghĩ, lời nói để qua đó người đọc, người nghe có thể rút ra những bài học sâu sắc.
4. Cốt truyện
– Cốt truyện ngụ ngôn thường xoay quanh một sự kiện (một hành vi, một cách ứng xử, một quan niệm, một nhận thức phiến diện, sai lầm…) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.
5. Tình huống
– Tình huống truyện là tình thế được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt; qua đó đặc điểm tính cách nhân vật và tư tưởng của tác giả được thể hiện rõ nét.
6. Không gian và thời gian
– Không gian trong truyện ngụ ngôn thường là một khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn – nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện.
– Thời gian trong truyện ngụ ngôn là một thời điểm khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.
7. Ngôn ngữ
– Ngôn ngữ trong truyện ngụ ngôn thường giàu hình ảnh, có thể pha sự hài hước, qua đó tạo ấn tượng trực quan giúp người đọc dễ dàng cảm nhận thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Từ đó, người đọc có thể liên tưởng những ngụ ý, tư tưởng, đạo lí hay bài học cuộc sống hàm ẩn trong những hình ảnh này.