Kỹ thuật tạo cây khế ngọt từ cây khế chua
Bài Học Hay
2024-03-02T22:53:22-05:00
2024-03-02T22:53:22-05:00
https://ibaihochay.site/index.php/su-nghiep/ky-thuat-tao-cay-khe-ngot-tu-cay-khe-chua-4493.html
https://ibaihochay.site/uploads/news/2020_02/ky-thuat-ghep-mat-cay-khe.jpg
Bài học hay
https://ibaihochay.site/uploads/bai-hoc-hay-logo.png
Thứ sáu - 21/02/2020 12:19
Ở Việt Nam khế ngọt được trồng ở khắp mọi nơi từ Bắc tới Nam. Tuy nhiên, khi mua giống khế ngọt ở các cửa hàng bán giống, nếu không cẩn thận ta dễ bị mua nhầm khế chua. Lúc này, ta chặt bỏ cây khế chua để trồng cây khế ngọt, thì thật là mất nhiều thời gian và công sức. Vậy làm cách nào để chuyển cây khế chua đã trồng thành cây khế ngọt?
Để chuyển cây khế chua đã trồng thành cây khế ngọt, ta áp dụng phương pháp ghép mắt của cây khế ngọt vào gốc ghép là cây khế chua, thì sẽ được một cây khế ngọt như mong muốn.
Chuẩn bị: Chọn mắt ghép của cây khế ngọt ở cành bánh tẻ (không già, không non). Cành này tốt nhất là nằm ở giữa tán cây và hấp thụ ánh sáng nhiều nhất.
Chọn gốc ghép là cây khế chua đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh.
Dao sắc, sạch, Nilon sử dụng trong chiết ghép.
Thao tác: Dùng dao sắc lấy mắt ở cành ghép, cắt vát.
Cắt gốc ghép hình chữ T nậy vỏ ra cho vừa đủ mắt ghép. Chú ý không được làm tổn thương đến gỗ thân cây gốc ghép.
Khép vỏ bao kín mắt ghép lại rồi dùng dây nilon buộc chặt lại.
Ngoài ra, có thể cắt vỏ ở gốc ghép theo hình vuông, hình chữ nhật, chỉ cắt 3 phía, lật vỏ lên, đưa mắt ghép vào, lấy vỏ úp chặt mắt ghép và buộc dây nilon chặt lại.
Như vậy, với phương pháp ghép mắt chỉ sau thời gian ngắn 8-9 tháng, thay cho việc trồng lại bằng cây con 3 năm, ta đã có một cây khế có cành lá sum suê và cho quả là nhờ có bộ rễ của cây khế chua đang sinh trưởng rất khỏe, nên mắt ghép khế ngọt phát triển rất nhanh.
Chú ý: Sau khi ghép sống, ta phải cắt bỏ hết các cành của cây khế chua, chỉ để cho cành ghép khế ngọt phát triển. Làm như vậy, ngoài mục đích tập trung chất dinh dưỡng cho cành ghép khế ngọt phát triển mạnh còn triệt được tận gốc khế chua.
Khi đã có cây khế ngọt, muốn cho khế ngọt sai quả, vị ngọt đậm đà nên bón thêm vôi, kali, lân, hạn chế bón đạm hoặc nếu cây đang sung sức, cành lá phát triển nhiều, ta không nên bón đạm. Sau khi thu hoạch quả vào mùa Đông, nên đào rãnh theo hình chiếu của mép tán cây và bón hỗn hợp: phân hữu cơ với vôi, lân, kali xuống rãnh và lấp đất lại. Liều lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào tuổi của cây. Đối với cây đã cho quả, đường kính gốc lớn hơn 5cm: 30kg/cây phân chuồng hoai mục + 1kg/cây vôi + 0,5kg/cây supe lân + 0,5kg/cây phân kali. Tùy theo đất đai tốt hay xấu mà chúng ta tăng hay giảm lượng phân.
Khi trồng khế vào chậu cần chọn chậu to, lót một ít sỏi hoặc đá xuống dưới để dễ thoát nước, bón lót bằng phân chuồng nén chặt gốc, tưới vừa đủ ẩm trong vài ngày đầu để cây phát triển. Sau 10 ngày tưới một lần, mỗi năm nên thay 1/3 số đất trong chậu bằng đất mới để có đủ chất dinh dưỡng cho cây.