Vai trò của Nguyễn Ái Quốc với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai - 09/03/2020 12:25
Căn cứ vào hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920 đến Năm 1930, hãy làm sáng tỏ vai trò của Nguyễn Ái Quốc với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Căn cứ vào hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920 đến Năm 1930, hãy làm sáng tỏ vai trò của Nguyễn Ái Quốc với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Tháng 7 - 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, Người tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản.

+ Tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua (12 - 1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hoạt động cách mạng của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đi theo con đường cách mạng vô sản.

+ Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Pa-ri để đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, thông qua tổ chức đó truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin đến các dân tộc thuộc địa. Tờ báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, đã vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức nổi dậy đấu tranh tự giải phóng. Người còn viết nhiều bài cho các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân và cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Mặc dù bị nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách ngăn chặn, cấm đoán, các sách báo nói trên vẫn được bí mật chuyển về Việt Nam.

+ Tháng 6 - 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế nông dân và Đại hội V - Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Người viết bài cho báo Sự thật, tạp chí Thư tín quốc tế. Người ở lại Liên Xô một thời gian, vừa làm việc, vừa nghiên cứu học tập.

+ Cuối năm 1924, Người quay trở về Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị lựa chọn những thanh niên yêu nước, thành lập một tổ chức tiền thân của Đảng.

Như vậy, từ năm 1921 đến năm 1925 là quá trình Nguyễn Ái Quốc tích cực học tập, nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời kì này là sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.

+ Sau một thời gian ở Liên Xô học tập và xây dựng đảng kiểu mới, cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam, lựa chọn một số thanh niên tích cực trong nhóm Tâm tâm xã, thành lập Cộng sản đoàn. Đến tháng 6 - 1925, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt.

+ Trên cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo một số thanh niên Việt Nam trở thành những cán bộ cách mạng. Báo Thanh niên được xuất bản năm 1925. làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Các bài giảng của Người trong các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu đã được tập hợp và in thành sách Đường Cách mệnh (1927), vạch ra những phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau khóa học, một số người được chọn đi học trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, một số người được cử đi học quân sự ở Liên Xô hay Trung Quốc còn phần lớn lên đường về nước hoạt động.

Tác phẩm Đường Cách mệnh, báo Thanh niên đã được bí mật chuyển về nước, đúng vào lúc phong trào yêu nước và dân chủ đang sôi nổi từ Nam ra Bắc trên cơ sở giai cấp công nhân đang lớn mạnh nên càng có điều kiện đi sâu vào quần chúng. Đến trước Đại hội đại biểu lần thứ nhất (5 - 1929) Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có cơ sở ở hầu khắp cả nước.

Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mang Thanh niên có chủ trương “Vô sản hóa”, đưa hội viên vào các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền, cùng sống và lao động với công nhân để tự rèn luyện, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh.

Sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc) là bước cần thiết cho việc nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp công nhân Việt Nam, là bước chuẩn bị chu đáo về chính trị, tổ chức và đội ngũ cán bộ cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

+ Sau vụ phản loạn của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, từ tháng 4 - 1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu trở lại Liên Xô, tiếp tục hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1927, Người qua Đức, Pháp rồi trở về Xiêm (Thái Lan), xây dựng cơ sở cách mạng trong kiều bào Việt Nam tại đây.

+ Trước những biến chuyển của tình hình của cách mạng Việt Nam Năm 1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm trở về Trung Quốc, với danh nghĩa là đại diện Quốc tế Cộng sản, Người đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Hội nghị diễn ra từ 6 - 1 đến 7 - 2 - 1930, ở Hương Cảng, Trung Quốc. Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nhất trí tán thành việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị còn thảo luận và thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện này được xem như Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Những văn kiện hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện sự đóng góp to lớn của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng, tiếp sau việc xác định con đường cứu nước đúng đắn, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng chính trị (1920 - 1924), tổ chức (1925 - 1927) cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Để đến đầu năm 1930, chính Người đã trực tiếp chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, soạn thảo Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở cho đường lối cách mạng Việt Nam từ đó về sau.


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây