Bài thực hành 2. Làm quen với các kiểu dữ liệu trên trang tính
(Thời lượng: 2 tiết)
A - Mục đích, yêu cầu
- Phân biệt được bảng tính, trang tính và các thành phần chính của trang tính;
- Mở và lưu bảng tính trên máy tính;
- Thực hiện được việc chọn các đối tượng trên trang tính;
- Phân biệt và nhập được một số kiểu dữ liệu khác nhau vào ô tính.
B - Những điểm cần lưu ý và gợi ý dạy học
a) Với bài tập 1, GV yêu cầu HS khởi động chương trình bảng tính và hoàn thành bài thực hành. Tốt nhất là nên ghép HS làm theo cặp hai HS/một máy. Một HS thao tác trên máy tính, một HS ghi chép và cả hai cùng quan sát, khám phá, phát hiện và trả lời các yêu cầu của bài học. Để cách tổ chức thực hành như trên đạt hiệu quả, GV nên yêu cầu HS xem lại bài học lí thuyết (bài 2) trước tiết thực hành.
Mặc dù HS chưa học cách nhập công thức để tính toán trên trang tính, cần cho HS quan sát, khám phá và thảo luận kĩ khi gõ công thức (ví dụ =5+7) vào ô tính để thấy rõ mối liên hệ giữa nội dung dữ liệu trong ô được kích hoạt và trên thanh công thức. Có thể yêu cầu HS chọn một ô khác gõ 5+7 (không có dấu =) để so sánh kết quả hiển thị trên ô tính.
Lưu ý, trước khi vào thực hành GV cần chuẩn bị và đặt (hoặc hướng dẫn HS thực hiện) các tuỳ chọn hiển thị màn hình làm việc ở các máy tính giống nhau và đủ để HS có thể quan sát, theo dõi kết quả khi tiến hành các thao tác thực hành. Thanh công thức được hiển thị một cách ngầm định. Tuy nhiên, để chắc chắn thanh công thức được hiển thị, mở bảng chọn File, chọn Options và nháy mở trang Advanced. Sau đó nháy chọn ô Show formula bar phía dưới mục Display.
b) Giống như bài tập 1, cũng nên cho HS làm bài tập 2 theo cặp (nhưng nên hoán đổi vai trò giữa hai HS). Phần thực hành chọn khối ba cột A, B, C và chọn đối tượng tuỳ ý, HS có thể gặp khó khăn, GV gợi ý, làm mẫu cho HS quan sát. Để chọn các cột kề nhau có thể nháy chuột vào tên cột đầu tiên rồi nhấn giữ và di chuyển chuột qua các tên cột đến cột cuối cùng cần chọn. Nhấn giữ phím Ctrl và chọn một số đối tượng sẽ cho phép chọn các đối tượng không liền kề nhau.
Việc nhập B100 vào hộp tên rồi nhấn phím Enter sẽ cho phép chọn ô tính có địa chỉ B100, tức là ô tính địa chỉ B100 sẽ được kích hoạt. Đây là một cách chọn một ô tính khi người dùng nhớ được địa chỉ ô tính mình cần kích hoạt, nhất là khi ô tính cần chọn không được hiển thị trên màn hình và ở khá xa ô tính đang được kích hoạt. Tương tự như vậy, thay vì dùng con trỏ chuột (hoặc bàn phím) để chọn một khối, có thể nhập địa chỉ của khối vào hộp tên. Tuy nhiên, thao tác chỉ có tính minh hoạ tác dụng của hộp tên, người dùng bình thường ít khi dùng cách này.
c) Thao tác mở bảng tính mới, mở bảng tính đã có sẵn, lưu bảng tính với tên khác hoàn toàn giống như mở văn bản mới, mở văn bản đã có sẵn, lưu văn bản Word (HS đã được học). GV chỉ cần nhắc lại để HS thực hiện các thao tác này. Lưu ý rằng, để mở một bảng tính mới, HS có thể thực hiện theo hai cách: (1) Thoát khỏi Excel và khởi động lại Excel; (2) Sử dụng lệnh New trong bảng chọn File. Trước hết giáo viên cần khuyến khích HS nên thực hiện theo cách thứ hai, vì với cách thứ nhất có thể gặp rủi ro mất dữ liệu do không lưu lại văn bản hiện thời. Với cách thứ hai, khác với các phiên bản trước, với Excel 2010 bảng tính mới không được hiển thị ngay mà cần phải chọn mẫu bảng tính (template) rồi nháy Create. Trong trường hợp này giáo viên hãy hướng dẫn HS chọn mẫu Blank workbook (ngầm định mẫu này được đánh dấu chọn) rồi nháy Create trong ngăn bên phải.
d) Sau khi mở bảng tính Danh_sach_lop_em, GV yêu cầu HS nhập bổ sung dữ liệu. Nhắc HS quan sát, nhận xét việc tự động căn lề của bảng tính đối với dữ liệu kiểu số và kiểu kí tự.
Khi nhập dữ liệu trong cột Ngày sinh, nội dung SGK sẽ không đề cập đến định dạng dữ liệu số theo kiểu ngày tháng (date), nên hướng dẫn HS nhập tháng trước, ngày sau và cuối cùng là năm, với mục đích để Excel tự động chuyển sang định dạng ngày tháng một cách nhất quán. Tuy nhiên, giáo viên có thể giới thiệu cho HS cách định dạng dữ liệu số theo kiểu ngày tháng, xem như là một nội dung mở rộng.
Yêu cầu HS lưu lại với tên mới là So_theo_doi_the_luc để không ghi đè bảng tính Danh_sach_lop_em (sẽ còn dùng lại trong các bài thực hành sau). Nên lưu ý HS gõ tên tệp bằng chữ Việt không dấu, tránh gặp trường hợp chữ Việt có thể xung khắc với các kí hiệu điều khiển hệ thống.