So sánh các bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuống của Hoang Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Thứ sáu - 13/12/2019 08:24
Đề: So sánh các bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuống của Hoang Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, trích đoạn Đất nước trong trường ca, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, phân tích và đánh giá những tình cảm riêng, những khám phá riêng của mỗi nhà thơ về vẻ đẹp của đất nước quê hương mình.
So sánh các bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuống của Hoang Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên
Chủ nghĩa yêu nước là một truyền thống tư tưởng lớn nhất, sâu sắc nhất của văn học nước ta trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi khi đất nước có họa xâm lăng, truyền thống ấy lại càng được phát huy mạnh mẽ.

Ta hiểu vì sao, trong 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Chủ nghĩa yêu nước đã là chủ đề nổi trội nhất của văn học Việt Nam... Chủ nghĩa yêu nước trong văn học có một nội dung hết sức phong phú và những hình thái biểu hiện vô cùng đa dạng, tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử khác nhau, và tuỳ theo những mối quan hệ khác nhau của mỗi cây bút đối với đất nước, với nhân dân mình, đối với truyền thống lịch sử, truyền thống văn hoá của dân tộc mình

Một trong những biểu hiện cảm động của lòng yêu nước trong văn học là phát hiện và diễn tả vẻ đẹp của quê hương đất nước.

Nói đến hình ảnh đất nước trong thơ ca kháng chiến, trước hết phải kề đến bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.
1.       Trong bài Tây Tiến, với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng bắt ngay lấy những cảnh dữ dội và hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.

 
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây súng ngửi trời;
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha luông mưa xa khơi...

Nhưng, với cảm hứng lãng mạn, nhà thơ cũng rất nhạy cảm với vẻ đẹp có tính chất xứ lạ phương xa của những cô Xòe Thái và hình ảnh giàu chất thơ của những dòng sông Tây Bắc rất đỗi trữ tình đổ xuôi giữa hai bờ hoa cỏ:
 
Doanh trại bừng lên hội đuốc, hoa
Kia em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

2. Đất nước trong thơ Hoàng Cầm Bên kia sông Đuống lại gắn với một vùng văn hoá Kinh Bắc cổ kính, ở đây mỗi thôn xóm, mỗi quả đồi, ngọn núi đều có dấu tích một truyền thuyết lịch sử, gắn với một mái đình, một ngôi chùa, một ngọn tháp... Đây cũng là quê hương của tranh làng Hồ, của hát Quan họ của những hội làng nô nức vào những dịp đầu xuân... Chỉ cần nhắc đến những địa danh nào đó là mỗi người Việt Nam tưởng như động đến những gì thân thiết nhất và dáng tự hào nhất về quê hương đất nước mình:
 
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút tháp
Giữa huyện Long Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu...

Trên vùng đất cổ kính ấy, thường thấy thấp thoáng hình ảnh những cô gái Kinh Bắc thật tươi tắn và dịu dàng, "cười như mùa thu toả nắng".
Nhưng giặc đến. Tất cả đều tan tác. Bài thơ là một mạch tình cảm dạt dào đầy xót xa, đau đớn và căm giận...

3. Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi lại có màu sắc khác, ấy là đất nước được nhìn ngắm qua con mắt của một người vừa giành được quyền làm chủ. Vì thế những cảnh vật dù rất đỗi bình thường quen thuộc cũng trở nên mới mẻ, đằm thắm, rộn ràng và rộng dài bát ngát:

 
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vì nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát :
Những dòng sông đỏ nắng phù sa...

Nhưng thiên hướng của Nguyễn Đình Thi là thế: hình ảnh đất nước dưới ngòi bút của ông thường hiện ra cảm động nhất là trong đau thương, bất hạnh, vì thế, cảnh dù giàu chất thơ vẫn pha vị ngậm ngùi:
 
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đâu không ngoảnh lại
Sau lưng thêm nắng lả rơi đày.... .
(...) Ôi những cánh đòng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều       
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Qua thơ Nguyễn Đình Thi, dường như chỉ trong đau thương, đất nước mới thể hiện đậm nét vẻ đẹp và phẩm chất anh hùng:
 
Nước Việt Nam từ máu lửa;
Rủ bùn đứng dậy sáng lòa.     

4. Có lẽ đẹp hơn cả là hình ảnh đất nước trong thơ Tố Hữu. Có thể nói bài Việt Bắc là một bức tranh đầy màu sắc và chất thơ về rừng núi chiến khu, quê hương cách mạng. Với Tố Hữu, cảnh bao giờ cũng gắn với người và lung linh một thứ ánh sáng riêng rất đỗi trong trẻo dịu dàng - ánh sáng của lý tưởng và của một hồn thơ giàu tình mến thương:
 
"Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve keo rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"

Đó là cảnh và người qua nỗi nhớ của Tố Hữu. Nhớ nhất là những ngày gian nan vất vả cùng nhân dân chia ngọt xẻ bùi:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi...

5. Nói đến những bài thơ đặc sắc nhất ra đời vào khoảng 1960, phải kể đến bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Tác phẩm giầu tính tượng trưng, ông sáng tạo nên hình ảnh Tây Bắc như là biểu tượng của Đất nước, của nhân dân, của truyền thống kháng chiến, của sự sống, của nguồn thơ:

Nhựa nóng mười năm, nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ...

Tác giả đã sáng tạo nên nhiều hình ảnh rất cảm động về đất nước quê hương, khi ý nghĩa biểu tượng, tư tưởng triết lý gắn được với những kỉ niệm cụ thể và thắm thiết về cảnh và người mà ông đã từng gắn bó trong những năm kháng chiến gian khổ:

 
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương'?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,
Như xuân đến chim rừng lông trỏ biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương...

6. Một trong những nét mới của quan niệm về đất nước trong văn học nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám là quan niệm đất nước là của nhân dân, nhân dân là người sáng tạo ra đất nước, mở mang đất nước và bảo vệ đất nước. Quan niệm này đã thể hiện một cách khá thống nhất trong các bài thơ đã phân tích trên đây (Tây Tiến, Bên kia sông Đuống, Đất nước, Việt Bắc và Tiếng hát con tàu). Quan niệm ấy càng được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1965-1975).

Đó chính là chủ đề của trích đoạn Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm.

Đoạn thơ dùng phương thức trữ tình - chính luận, phát biểu một định nghĩa về khái niệm đất nước theo quan niệm nói trên.

Trước hết đất nước là một cái gì tuy thật lớn lao là "Thời gian đàng đẵng, không gian mênh mông" - nhưng không hề trừu tượng và xa lạ. Nó là miếng trầu bà ăn, là cái kèo cái cột trong nhà, là hạt gạo một nắng hai sương, là nơi anh đến trường, là nơi em tắm v.v... Nghĩa là hết sức gần .gũi, thậm chí là máu thịt của mỗi chúng ta:

 
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất nước

Đất nước, ấy là công trình sáng tạo của nhân dân. Nhân dân mở mang, xây đắp đến đâu thì đặt tên đến đấy. Mỗi tên gọi là một ước mơ, một nỗi niêm trăn trở, một lối sống, một niềm tin: 
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương,..
Tóm lại, Đất nước chính là những cuộc đời - "Những cuộc đời đã hoá núi sông ta".

Đất nước, ấy là lịch sử. Lịch sử dựng xây và bảo vệ. Có được Đất nước hôm nay, biết bao lớp người đã phải đổ mồ hôi và máu. Để truyền lại cho ta hạt lúa ta trồng, hòn than nhóm lửa, truyền lại cho ta tiếng nói và văn chương - những ca dao, thần thoại... Và khi:

 
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vừng lên dành bại
Để Đất nước này là Đất nước nhân dân

Tóm lại, trích đoạn Đất nước là một định nghĩa bằng thơ. Nó phải dùng nhiều yếu tố của văn chính luận, nhưng không đến nỗi khô khan, vì tác giả đã khéo khai thác kho tàng phong phú của văn hoá dân gian để tạo nên mọt thế giới hình tượng vừa quen thuộc vừa mới mẻ, giàu ý nghĩa tượng trưng khái quát mà vẫn có thể lay động lòng người.

Đối với dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước có thể coi là cái huyệt thần kinh nhạy cảm nhất. Giặc Pháp rồi giặc Mỹ đã đập mạnh vào cái huyệt thần kinh đó. Chúng đã phải trả giá bằng thất bại nhục nhã trước sức mạnh của lòng yêu nước đó. Đấy là cơ sở tư tưởng của dòng thơ yêu nước dồi dào phong phú tuôn chảy suốt 30 năm của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Mỗi bài thơ là một phát hiện về đất nước đẹp và hùng trong chiến đấu và chiến thắng.


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây