Tư tưởng "Đất nước của Nhân dân" được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện như thế nào trong chương "Đất nước”

Thứ sáu - 13/12/2019 09:24
Đề: Tư tưởng "Đất nước của Nhân dân" được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện như thế nào trong chương "Đất nước” (Trích trường ca "Mặt đường khát vọng").
Tư tưởng "Đất nước của Nhân dân" được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện như thế nào trong chương "Đất nước”
Đất nước là một chủ đề được quan tâm hàng đầu đối với văn học của những đất nước có chiến tranh, vì thế là một chủ đễ xuyên suốt lịch sử vãn học nước ta. Mỗi thời đại có một cách hiểu, cách quan niệm riêng về đất nước. Thời trung đại, người ta thường quan niệm đất nước gắn liền với công lao của các triều đại, do các triều đại kế tiếp nhau gây dựng lên. Còn ở thời hiện đại, khi người ta nhìn thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, người ta mới thấy rằng đất nước là của nhân dân. Điều này tất nhiên càng được các nhà văn Việt Nam ý thức sâu sắc hơn- ai hết khi dân tộc ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại chống Mỹ cứu nước. Tư tưởng xuyên suốt chương thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm chính là tư tưởng ấy:
 
"Để đất nước này là đất nước nhân dân
Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao, thần thoại".

Tư tưởng này đã được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một cách nhuần nhuyễn trong cả chương thơ rất dài, trước hết bằng một chất liệu hết sức phù hợp: chất liệu văn hoá dân gian.

Quả là viết về tư tưởng dát nước của nhân dân thì không có chất liệu nào có thể có ưu thế bằng văn hoá dân gian. Chính vì thế mà Nguyễn Khoa Điềm đã khai thác một cách phong phú vốn văn hoá dân gian giàu có của ta để viết nên bài thơ này. Có thể nói cả bài thơ đã được sáng tạo, tái tạo từ những gì quen thuộc nhất trong nền văn hoá dân gian lâu đời của người Việt Nam. Có thể thấy hàng loạt những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, hàng loạt những truyện cổ, hàng loạt những phong tục, tập quán, hàng loạt những địa danh rải trên khắp sông núi đã được huy động vào trong bài thơ này. Có những câu thơ, đoạn thơ tác giả trích nguyên văn từ những câu ca dao. Nhưng phần quan trọng hơn là những chất liệu ấy đã được nhào nặn bằng một cảm xúc mới với một ánh sáng mới, khiến cho những câu thơ vừa rất hiện đại vừa thấm đẫm chất dân gian truyền thống, Chúng ta không khó khăn gì khi chỉ ra những truyện cổ, những câu thành ngữ, tục ngữ đã hoá thân thành các câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm, Độc câu:

-"Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"
-"Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng"
hay câu “ "Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm".

Chúng ta có thể thấy ngay trong đó diện mạo của các câu thành ngữ "một nắng hai sương", câu ca dao "Em ơi chua ngọt đã từng - Gừng cay muối mặn ta đừng quên nhau", và bài ca dao nổi tiếng:

 
"Khăn thương nhớ ai - khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai - khăn vắt trên vai".

Thậm chí có những câu thơ rất giản dị nhưng dường như đã được nhào nặn, tái tạo từ nhiều nguồn chất liệu khác nhau. Ví như: "Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn". Nó gợi lên trong chúng ta một tập tục đã ăn sâu vào truyền thống của người Việt, tục ăn trầu, nó gợi lên những thành ngữ quen thuộc:

- "Miếng trầu là đầu câu chuyện"
- "Cơi trầu nên dâu nhà người"

Đồng thời nó cũng gợi lên trong chúng ta một sự tích vào loại cổ nhất của người Việt: "Sự tích trầu cau". Ngoài ra nó cũng đánh thức dậy hình ảnh những miếng trầu đã trở thành các biểu tượng của tình yêu, lòng thuỷ chung: miếng trầu của cô Tấm, miếng trầu của Xuân Hương. Nhờ am hiểu khá sâu sắc và phong phú vốn văn hoá dân gian cho nên ngòi bút của Nguyễn Khoa Điểm tỏ ra rất linh hoạt. Người ta thấy rõ những ; hình ảnh, hình tượng trong bài "Đất nước" này được khơi dậy, được vun trồng bằng văn hoá dân gian và bản thân chúng cũng bắt rễ rất sâu vào nguồn vãn hoá dân gian ấy. Văn hoá dân gian đã nuôi dưỡng cho một hồn thơ, khơi dòng cho một cảm hứng và nuôi dưỡng cho đến từng câu thơ trong bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm.

Được viết trong thời chống Mỹ, bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm dường như là một sự nhận thức lại về một vần đề đã trở nên quen thuộc: vấn đề đất nước. Đất nước được hình thành như thế nào? Đất nước của ai, đất nước được hiện lên trong đời sống hàng ngày ra sao? Nguyễn Khoa Điềm đã nghiền ngẫm để trả lời những câu hỏi ấy. Vì thế nhà thơ đã khám phá, phát hiện về đất nước. Mà tựu chung là khám phá trên ba bình diện: bề rộng không gian, chiều dài lịch sử, bề dày văn hoá. Ở bình diện nào cũng có những phát hiện thật lí thú, sắc sảo và hết sức bất ngờ. Có lẽ đối với bất cứ Tổ quốc nào thì hai thành phần khởi đầu, hai "nguyên tố", hai tế bào khởi đầu cho mọi sự sinh thành đều cũng là Đất và Nước. Hai nguyên tố này kết hợp với nhau, giao hoà với nhau để rồi từ đó mà sinh thành nên cái cơ thể của đất đai, nước non, xứ sở Nguyễn Khoa Điềm đã bắt đầu khám phá bề rộng không gian từ hai nguyên tố ấy:

 
"Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đoạn thơ trên đây đã được viết bằng tư duy vừa giàu chất trữ tình thơ ca, vừa mang tính huyền thoại, vừa thấm đượm một phong vị triết học. Không phải ngẫu nhiên mà Đất tương ứng với Anh, Nước tương ứng với Em. Một yếu tố thuộc Âm, một yếu tố thuộc Dương. Khi nói riêng về từng người thì Đất nước cũng tách riêng thành hai chữ. Nhưng đến khi Anh với Em hò hẹn, Anh với Em hợp lại để thành Ta thì Đất và Nước cũng liền lại với nhau thành Đất Nước. Như vậy Đất và Nước hoà hợp cùng với tình yêu và trong tình yêu của con người. Từ đó bắt đầu sự sinh sôi. Và khi Em nhớ Anh thì cả Đất Nước dường như cũng sống trong nỗi nhớ thầm. Cho nên câu thơ "Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm" là một câu thơ đẹp trong đó tình yêu đôi lứa đã hoà hợp làm một với tình yêu của đất nước.

Cứ thế, đất nước lớn lên trong tình yêu. Cả trong phạm vi đôi lứa, cả trong phạm vi của cộng đồng. Tư duy của Nguyễn Khoa Điềm cứ mở rộng mãi để bao quát sự sinh thành, trưởng thành, mở mang của cả đất nước:

"Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá ngư ông mong nước biển khơi"
"Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng".

Song song với quá trình sinh thành đất và nước để tạo ra thành địa bàn cư trú của người Việt suốt mấy nghìn năm qua, là sự sinh sôi của các địa danh. Mỗi một địa danh không phải là một dòng tên vô nghĩa. Đằng sau mỗi tên đất, tên rừng, tên núi, tên sông là mỗi cuộc đời, mỗi cuộc đời là một kì tích, một huyền thoại, Một mảnh đất chưa có tên là một miền đất hoang chưa có lịch sử, chưa có sự sống của con người. Vì thế khi địa danh lan đi đến đâu thì đất đai được mở rộng đến đó, Nó là dấu ấn về sự sinh tồn của dân tộc này, Cho nên lần theo những địa danh Nguyễn Khoa Điềm đã dựng lại được cả diện mạo non sông đất nước, mỗi địa danh đều làm rung động sâu tâm linh của con người: Núi bút non nghiên, hòn Trống Mái, Vọng Phu, vịnh Hạ Long, sông Cửu Long, ông Đốc, ông Trang, bà . Đen, bà Điểm... Mỗi địa danh là một cuộc đời, mỗi cuộc đời hoá thân thành sông núi, Điều đó cũng có nghĩa là chính nhân dân đã gây dựng, mở mang, gìn giữ nên đất nước này.

Một đất nước mới chỉ có lãnh thổ không thôi thì chưa đủ. Nó còn phải có lịch sử, lịch sử của một dân tộc chính là sự sống của dân tộc ấy trong chiều dài thời gian. Điểm về lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm không nhắc, tên những triều đại nổi tiếng, những anh hùng hữu danh. Trái lại nhà thơ thấy bốn nghìn năm lịch sử là một cuộc chạy tiếp sức không mệt mỏi của bốn nghìn thế hệ. Họ cầm trong tay ngọn đuốc sự sống của Việt Nam. Mỗi thế hệ chạy một quãng đường và trao lại cho thế hệ kế tiếp:    

"Nhưng em biết không
Có biết bao ngươi con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ dã sống và chết       
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên       
Nhưng họ đã làm ra đất nước".

Cứ như thế sự sống của đất nước, được duy trì, được gìn giữ và phát triển bởi vô số những con người vô danh. Và lịch sử cũng không chỉ được hiểu như là những cuộc chống ngoại xâm kế tiếp. Mà lịch sử là toàn bộ sự sống của người Việt. Chính những người vô danh đã gìn giữ sự sống này qua những việc rất cụ thể:

Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại".

Cứ như thế đã suốt bốn nghìn năm, lịch sử này thuộc về những người vô danh, thuộc về nhân dân.

Nói về một đất nước mà mới chỉ dừng lại ở lãnh thổ và lịch sử không thôi thì rõ ràng chưa đủ. Sự sống của một cộng đồng trong thời gian, cần phải được kết tinh thành lối sống riêng, cốt cách riêng, tâm hồn riêng, khuôn mặt riêng... không lẫn với những dân tộc khác. Có nghĩa là nó phải kết tinh thành bản sắc văn hoá. Thiếu điều này, người ta chưa thể hình dung được đầy đủ về một đất nước thực thụ. Chính vì thế, Nguyễn Khoa Điềm đã nghiền ngẫm và tiếp tục khám phá đất nước ở bình diện thứ ba: bề dày văn hoá.      

Cũng thống nhất với các binh diện trên, ở đây khi điểm về văn hoá, Nguyễn Khoa Điềm không nhắc đến những công trình nổi tiếng thuộc nền văn hoá bác học như những công trình kiến trúc: chùa Một Cột, chùa Bút Tháp, không kể đến những công trình điêu khắc: tượng các vị la hán chùa Tây Phương, các tác phẩm văn học như: Truyện. Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm... Đó cũng là những công trình tiêu biểu cho nền văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, đó là thứ văn hoá dễ thấy, nó cũng giống như những người anh hùng hữu danh, ai cũng ngưỡng mộ. Nguyễn Khoa Điềm quan tâm đến một thứ văn hoá khác, đó là những sản phẩm văn hoá nhỏ nhoi bình thường đến tầm thường, đã quen thuộc đến quen nhàm trong đời sống hàng ngày, khiến cho chúng ta dửng dưng, lãng quên. Đất nước đã được phát hiện từ một câu chuyện cổ tích, một câu ca dao vất vưởng trôi nổi ở chốn thôn quê, được phát hiện từ cái kèo, cái cột nôm na, được phát hiện từ vị gừng cay muối mặn mộc mạc, được phát hiện từ cách làm ra hạt gạo, dãi dầu một nắng hai sương, được phát hiện từ cách bới tóc sau đầu của người Việt... khiến cho chính người đọc cũng phải bất ngờ, vỡ lẽ ra rằng: không phải tìm kiếm đất nước ở đâu xa mà đất nước ở quanh ta, ở trong ta, ở ngay những gì đơn sơ thân thuộc nhất. Nhưng có lẽ bất ngờ nhất vẫn là sự phát hiện này: "Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn" .Câu thơ dường như là một nghịch lý, phi lý. Đất nước là một khái niệm lớn lao thiêng liêng, hệ trọng, tại sao lại có thể nằm trong một miếng trầu nhỏ nhoi, tầm thường, không có gì quan trọng? Đi tìm sự khởi thuỷ của một đất nước, nghĩa là phải ngược thời gian trở về với ngọn nguồn xa xưa, sao lại bắt đầu với miếng trầu của "bây giờ”? Câu thơ xem ra thật là phi logic. Nhưng ngẫm nghĩ, ta sẽ thấy cái phi lôgic kia chỉ là hình thức của câu thơ. Tác giả đã mượn hình thức phi lí để chứa đựng một điều hợp lí. Đó là một đất nước dù lớn đến đâu cũng bắt đầu từ những cái nhỏ nhoi. Vô số những cái nhỏ nhoi mới làm nên sự lớn lao. Nói một cách khác, không có cái nhỏ nhoi như miếng trầu thì cũng không có sự lớn lao như đất nước. Thì ra mỗi miếng trầu kia đều gánh trong nó một phần đất nước, mỗi miếng trầu bà ăn hôm nay đều đã có bốn nghìn năm tuổi. Cho nên cái hiện diện của hôm nay, của bây giờ, đàng sau nó có cả một lịch sử lâu dài. vì thế quá khứ luôn có mặt vói hiện tại, lịch sử vẫn đang hiện diện với hôm nay. Những câu thơ như thế thực sự là một phát hiện bất ngờ khiến cho người đọc phải ngỡ ngàng. Nó không chỉ là sản phẩm của một tư duy sác sảo. Mà trước hết nó là sản phẩm của một tình yêu, một tấm lòng. Nếu không có một sự trân trọng với tất cả những gì mà tổ tiên đã chắt chiu, chi chút, gìn giữ suốt mấy nghìn năm, thì Nguyễn Khoa Điềm không thể có được những câu thơ có thể làm rung động tâm linh người Việt đến như thế.

Toàn bộ bài thơ này được viết bằng hình thức một cuộc tâm tình của một đôi trai gái. Họ hẹn hò với nhau, họ tâm sự, tự tình. Những khi riêng tư nhất, cần phải nối những chuyện sâu kín nhất, họ lại nói về đất nước. Đất nước đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả dân tộc, của từng con người, của mỗi đôi lứa. Qua đó Nguyễn Khoa Điềm đã biến một vấn đề chính trị thành một câu chuyện tâm tình, một dòng tâm sự. Có lẽ nhờ thế mà tính truyền cảm của bài thơ trở nên mạnh mẽ hơn, sâu hơn. Nguyễn Khoa Điềm cũng phát huy một tư duy thơ độc đáo, đó là một lối tư duy nghiêng về suy ngẫm, thâm trầm, sâu lắng. Mỗi một lời thơ kết tinh bao suy tư. Cho nên lời thơ nào, câu thơ nào cũng nặng ỷ tưởng. Khiến cho người đọc thơ phải cùng suy ngẫm với tác giả mới có thể thấu hiểu được những ý tưởng giản dị mà hàm súc, chất chứa đằng sau mỗi lời thơ đó. Và là nhờ suy tư thâm trầm sắc sảo mà Nguyễn Khoa Điềm mới có thể phát hiện, ra được rằng; đất nước là ở quanh ta, thậm chí đất nước ở ngay trong ta:

 
"Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước 
Khi hai đứa cầm tay       .
Đất nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn".

Và cũng chính nhờ đó mà Nguyễn Khoa Điềm mới tiếp cận chân lí: đất nước này là đất nước của nhân dân.

Đất nước là một đề tài muôn thuở, Chừng nào mỗi con người vẫn là con đẻ của một dân tộc, của một mành đất, chừng ấy người ta vẫn còn viết về cái mảnh đất thiêng liêng được gọi là Tổ quốc của mình. Mỗi thời có một cảm nhận riêng, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ một tấm lòng chung, đó là sự thiết tha, sự thuỷ chung với giang sơn Tổ quốc.
 Nếu thiếu điều này thì dù sự am hiểu văn hoá phong phú đến đâu, tư duy dù sắc sảo đến đâu cũng không giúp cho thi sĩ viết nên những tiếng thơ có khả năng rung động hàng triệu trái tim người.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây