Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) ở miền Nam diễn ra trong hoàn cảnh nào? Nêu diễn biến, kết quả và ý nghĩa.
a. Hoàn cảnh
+ Sau thắng lợi ở Vạn Tường và hai mùa khô năm 1965 - 1966 và 1966 - 1967, Đảng ta nhận định bước sang năm 1968 so sánh lực lượng đã có lợi cho ta.
+ Năm 1968 là năm Mĩ tiến hành bầu cử tổng thống, nhưng trong nước lại đang có mâu thuẫn nội bộ.
Xuất phát từ hoàn cảnh trên, ta chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, trọng tâm là các đô thị, nhằm: tiêu diệt một bộ phận quân Mĩ, đồng minh và chính quyền ngụy, giành chính quyền về tay nhân dân, buộc Mĩ phải đàm phán và rút quân về nước.
b. Diễn biến
Theo kế hoạch đã định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra qua 3 đợt: Đợt 1 từ 30-1 đến 25-2, đợt 2 vào tháng 5, 6 và đợt 3 vào tháng 8, 9 năm 1968.
+ Đêm 30, rạng sáng 31-1-1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân), quân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 37 trong tổng số 44 tỉnh miền Nam.
Tại Sài Gòn, quân giải phóng đã tiến công tất cả các vị trí đầu não của địch; như: Tòa đại sứ Mĩ, Dinh “Tổng thống”, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đợt 1, ta tiêu diệt 147.000 tên, trong đó có 43.000 lính Mĩ,...
Tại Huế, quân ta làm chủ toàn thành phố trong 25 ngày.
+ Cuộc Tổng tiến công và nổi đậy Tết Mậu Thân đã đánh một đòn bất ngờ vào bọn Mĩ - ngụy, khiến chúng choáng váng. Tuy nhiên, do lực lượng địch còn đông (hơn nửa triệu quân), nên sau những yếu tố bất ngờ, chúng đã nhanh chóng điều quân cứu viện phản công ta ở cả đô thị và nông thôn.
Vì vậy, trong đợt 2 và 3, lực lượng cua quân và dân ta gặp khá nhiều khó khăn, tổn thất. Để giữ vững lực lượng, chúng ta đã quyết định rút ra khỏi đô thị, chuẩn bị cho các cuộc tiến công sau này.
c. Kết quả, ý nghĩa
Tuy gặp phải những tổn thất và hạn chế trong đợt 2 và 3, cuộc Tổng tiến công và nỗi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta vẫn giành được những kết quả và ý nghĩa hết sức to lớn:
+ Cuộc Tổng tiến công đã đạt được mục đích của ta đề ra là tiêu diệt được một bộ phận lớn quân Mĩ, đồng minh và chính quyền ngụy.
+ Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, Mĩ phải chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc (vào ngày 1-11-1968) và phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Pa-ri để bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
+ Cuộc Tổng tiến công đã làm lung lay ý chí xâm lược của quân Mĩ, buộc Mĩ phải “phi Mĩ hóa” chiến tranh xâm lược, thừa nhận sự thất bại của mình trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và thay bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (từ 1969 đến 1975).