Đề bài 1: Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Theo anh (chị), truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay.
Gợi ý cách làm bài:
1. Giải thích truyền thống tôn sư trọng đạo.
- Thế nào là tôn sư?
- Đạo là gì?
- Thế nào là tôn sư trọng đạo?
2. Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Truyền thống đó cần giữ nhưng có sự bổ sung.
Bài làm
Nhà thơ Lê Anh Xuân từng viết:
Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
Như sông như núi, như người Việt Nam.
Thật vậy, Việt Nam là một xứ sở đẹp tuyệt vời. Nhưng đất nước ta không chỉ đẹp với cảnh quan sông núi mà đẹp từ những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong những nét văn hoá Việt là truyền thống tôn sư trọng đạo. Truyền thống quí báu này đã được giữ gìn và phát huy từ ngàn xưa. Nhưng đã nhiều lần ta tự hỏi: Truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay hay chưa?
Để trả lời được câu hỏi đó, trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là “Tôn sư trọng đạo”. Đã bao lần ông bà, cha mẹ dạy ta rằng phải luôn sống có trước có sau. Đối với cha mẹ phải kính trọng lễ phép, hiếu thảo, với thầy cô phải tôn sư trọng đạo.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung. Truyền thống này thể hiện đạo lí của người học trò luôn luôn tôn kính về lẻ sống, những bài học làm người cho mình với tinh thần “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Từ tôn trọng được tách thành hai từ đơn, ghép với sư và đạo để trở thành tôn sư trọng đạo. Trọng đạo ở đây là trọng đạo làm trò, suốt đời biết ơn thầy, làm theo những lời thầy dạy bảo để đi đến chân lí.
Tục ngữ từng dạy “không thầy đó mày làm nên”. Những người thầy tâm huyết luôn mong muốn đem kiến thức, hiểu biết đến cho học sinh, bao giờ cũng đáng kính trọng và được tôn vinh. Song hiểu biết về truyền thống tôn sư trọng đạo ta càng thấy ý nghĩa của vấn đề này. Việc tôn sư ở đây không chỉ giới hạn là những người thầy dạy chữ cho ta, mà mở rộng là những người dạy ta trong cuộc như ông bà, cha mẹ, anh chị, bạn bè và những người sống quanh ta. Vì vậy quan hệ thầy trò mang nét nghĩa rộng hơn.
Truyền thống ôn sư trọng đạo từng được nhân dân:
- Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
- Không thầy đó mày làm nên.
Nhắc nhở trong cuộc sống. Dòng mạch này chảy qua nhiều thế hệ. Nhưng truyền thống ấy không chỉ dừng lại ở những lời nói chân thành mà còn được thể hiện bằng hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Tấm gương của người học trò “con của quỷ thần” đối với thầy Chu Văn An thương dân tình đói khổ, cơ cực vì hạn hán đã yêu cầu người học trò con của quỷ thần làm mưa. Vâng lệnh thầy nhưng trái mệnh trời, người học trò đã làm mưa nên bị trời chém đầu. Người xưa dù quyền cao, chức trọng nhưng đến thăm thầy đều phải “đi bộ” .
Ngày nay, khi bạn ra đường, tình cờ gặp thầy cô giáo, hành động vòng tay lại, lễ phép chào thầy của bạn chính là thể hiện sự tôn sư trọng đạo của bạn rồi đấy.
Sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam 20 - 11 hằng năm, bạn cùng bạn bè trong lớp ra tờ báo đặc biệt, mừng các thầy cô, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và quyết tâm học giỏi, chăm ngoan. Đó chính là tôn vinh nghề dạy học, “Nghề cao quí nhất trong những nghề cao qui” (Phạm Văn Đồng).
Khi đạt được những thành công trên con đường công danh sự nghiệp, có biết bao người học trò cũ đã trở về thăm thầy cũ và mái trường xưa. Người thầy vẫn âm thầm lặng lẽ với sự nghiệp trồng người. Dẫu biết rằng là người lái đò chở khách sang sông nhưng tấm lòng thầy cô luôn khát khao nâng những cánh diều mơ ước cho học sinh bay tới chân trời mới. Một cánh thư, một dòng tâm sự, hay một buổi như bầy chim non trở về bên thầy cô đó không phải là truyền thống tôn sư trọng đạo hay sao? Thầy là người gieo hạt giống tương lai nhưng bao giờ cũng vị tha độ lượng, nhân ái, bao dung, nghiêm khắc, công bằng. Nghĩ về thầy với tất cả sự ngưỡng vọng lòng ta ơn thầy dào dạt, mênh mông và luôn hứa sẽ đi về phía trước. Vì khi đó luôn có bóng hình thầy nâng đỡ, dìu dắt, hạnh phúc khi ta thành đạt và an ủi động viên khi ta vấp ngã.
Tóm lại, kính trọng thầy cô, làm theo lời thầy cô dạy, nuôi dưỡng những ước mơ và chắp cánh bay tới tương lai với tất cả niềm tin, lòng thành kính của người học sinh chính là bản chất của truyền thống tôn sư trọng đạo.
Trong cuộc sống hôm nay truyền thống tốt đẹp này cần được phát huy và bổ sung để mối quan hệ thầy trò càng được tôn trọng.
Phát huy truyền thống này, nên hiểu mối quan hệ thầy trò không chỉ dừng ở phạm vi cá nhân mà phải trở thành ý thức của cả xã hội. Mọi người đều tôn vinh thầy cô và coi sự nghiệp giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước quan tâm đến giáo dục là thúc đẩy sự phát triển, là những chế độ đãi ngộ, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, các cấp chính quyền, địa phương đầu tư cho sự nghiệp giáo dục là góp phần cho chất lượng phát triển toàn diện. Một ngôi trường khang trang, để thầy và trò thi đua dạy tốt, học tốt chính là thể hiện sự trân trọng, tạo điều kiện để thầy cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức, đoàn thể sẽ góp phần động viên thầy cô giảng dạy tốt với tinh thần: Tất cả vì học sinh thân yêu.
Với học sinh, trong cuộc sống hôm nay phải không ngừng rèn luyện phấn đấu vươn lên, không chỉ học trong sách vở, không chỉ thực hành những kiến thức thầy cô đã dạy mà phải nhạy cảm tiếp nhận công nghệ thông tin, không ngừng sáng tạo học tập rèn luyện để nâng cao kiến thức. Cuộc sống hiện đại nhiều cạm bẫy, phải có bản lĩnh, tránh những hiện tượng tiêu cực. Như thế cũng là một khía cạnh của việc tôn sư trọng đạo.
Gìn giữ và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi con người. Bởi nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).
Đề bài 2. Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính. Anh (chị) thấy ý kiến trên như thế nào?
Gợi ý cách làm bài
Phải hiểu được nghĩa của các hiện tượng và các ngữ trong ý kiến này:
1. Những thói xấu của con người là gì?
2. Giải thích vì sao những thói xấu ban đầu lại là người khách qua đường?
3. Những thói xấu sau trở thành người bạn thân ở chung nhà?
4. Những thói xấu vì sao kết cụ biến thành ông chủ nhà khó tính?
5. Thái độ của người viết như thế nào? Đồng tình hay phản đối. Cần tránh những thói xấu như thế nào?
Bài làm
Cùng với sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội là hệ thống các quan hệ rất đa dạng và phức tạp của con người. Mác nói “Con người là tổng hoà các quan hệ xã hội”. Các quan hệ xã hội phức tạp, chồng chéo lẫn nhau, cho nên con người phải biết điều chỉnh những hành vi đạo đức của mình. Trong đó có những thói xấu. Bởi lẽ thói xấu hạn chế sự phát triển của mỗi cá nhân và do đó của cộng đồng, xã hội. Ngạn ngữ Pháp đã khẳng định: “không được làm điều xấu ngay cả khi chỉ có mình mình”. Bởi vì: “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính.”
Vậy những thói xấu của con người là gì? Đó là sự lười nhác, là tính ỷ lại, lòng tham, sự ghen tị, đó kị với người khác nảy sinh sự toan tính ích kỉ. Đó cũng là những hành động, cử chỉ, không đẹp mắt trong cư xử với mọi người, lệch lạc về đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mĩ tục của dân tộc.
Thói xấu không được xã hội đồng tình ủng hộ. Đó là những thói hư tật xấu thể hiện lối sống thiếu văn hoá. Người có thói xấu thường trở nên vụng về, thô lỗ, nguy hiểm và tự đánh mất nhân cách của mình trong các hoàn cảnh khác nhau. Chính vì vậy mà nó trở thành kẻ thù nguy hiểm với con người nhất là những người trẻ tuổi còn bồng bột, manh động, chưa có nhiều trãi nghiệm trong cuộc sống. Xã hội là hiện tượng đan cài giữa cái xấu và cái tốt, ranh giới rất mong manh, không làm chủ được chính mình, không có bản lĩnh thì rất dễ sa ngã.
Quá trình xâm nhập của thói xấu cũng rất tinh vi. Lúc đầu chỉ là người khách qua đường.
Vì sao lại vậy? Ban đầu thói xấu chỉ như người xa lạ. Vì phần lớn sự xâm nhập, sự tác động của hoạt động giao tiếp làm ảnh hưởng tới nhân cách con người. Một lời nói tục, một hành vi trêu chọc bạn, một bài kiểm tra copy của bạn được điểm cao, lúc đầu ta còn ngượng ngùng vì những hành vi đó. Lòng tự trọng, bảo tồn cái tốt đẹp, chính là sự ý thức nhân cách của mỗi con người. Nhưng nó phải phản ứng với những hành vi trái với đạo đức, tái với qui luật làm người, thì lúc đó sự cám dỗ mới không thể chinh phục được người tốt.
Nhưng tục ngữ đã có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nguy hiểm thay, thói xấu từ cái dửng dưng xa lạ lại có thể trở thành “Người bạn thân ở chung nhà”. Đây là quá trình thói xấu xâm nhập theo hướng tiêu cực, chế ngự bản thân con người, khi đó sự ý thức về nhân cách chưa cao, con người chưa làm chủ được chính mình, dấu hiệu của thói xấu có cơ hội chiến thắng càng tốt.
Ban đầu ta giữ gìn trân trọng từng lời ăn, tiếng nói, cư xử theo lẽ phải. Nhưng một khi, thói xấu len lỏi trong đời sống văn hoá, tinh thần và trong cả việc làm của ta thì hồi chuông cảnh báo về nhân cách đã rung lên.
Trong giao tiếp, nếu ta không kĩ càng lựa chọn thì vô tình quả ô mai đã lăn ra khỏi lọ và sẽ tiếp tục lăn lóc trần trụi giữa cuộc đời. Nói tục một lần không biết ngượng mồm, ích kỉ bon chen để vụ lợi cho bản thân, khoát một bộ cánh óng mượt, lộng lẫy nhưng bên trong lại nhỏ nhen ích kĩ, tầm thường thì làm sao có thể cao thượng được. Một lần đặt chân vào quán chát, và chỉ cần một lần thôi khi nếm trải với ma tuý, đánh bạc, nói dối, nếu không hề day dứt, sám hối và biết sữa chữa chính là con người đã bán mình cho quỹ dữ, sống tha hoá, bê tha. Thói xấu dần dần sẽ ngự trị lương tâm và khối óc, điều chỉnh các hành vi nhưng ta cứ cho bình thường thì dễ dàng sẽ trở thành người bạn thân ở chung trong nhà.
Và khi đó, thói xấu sẽ rất dễ biến thành bản chất để trở thành ông chủ nhà khó tính.
Vì khi ta tự buông thả mình, không day dứt, không ân hận, không hổ thẹn trước những thói hư tật xấu thì ta sẽ bị thói xấu ngự trị. Nhưng thói xấu vốn nguỵ biện giỏi, là thứ kẻ thù vô hình, trí trá, lừa lọc thì sự kiểm soát của con người phải thật quyết liệt, thật triệt để mới chiến thắng nổi. Thói xấu hoá thân trong mỗi câu nói tục tĩu, hằn học, thô bạo. Bảo thủ, trì trệ, quan liêu, gia trưởng, hách dịch không còn dừng lại hiện tượng nữa, không khuất lấp nữa, khi đó con người sống với toan tính nhiều hơn, lộ liễu hơn và cũng thái quá, cực đoan tàn nhẫn hơn nhiều. Một lần xúc phạm người khác mà không tự nghĩ về mình thì con người đó còn trọng danh dự chăng? Một lần lừa dối bố mẹ lấy tiền đi hút hít, lên án, trừng phạt đó là loại người đáng lên án.
Tóm lại, thói xấu luôn bị phê bình. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh ở mỗi con người. Nhưng nó lại có thể tồn tại trong mỗi chúng ta.
Cha ông ta nói: “Nhân vô thập toàn”. Con người phải luôn trau dồi nhân cách, sống đúng chuẩn mực đạo đức của dân tộc và những giá trị nhân văn của con người. Muốn vậy phải có những môi trường giáo dục lành mạnh. Vì bản thiện, hướng thiện vốn là bản chất của con người.
Hiền giữ đâu phải là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
Hồ Chí Minh
Xã hội phải có những hành vi điều chỉnh con người và ngược lại mỗi một con người phải hoàn thiện nhân cách của mình. Chúng ta không chỉ đòi hưởng thụ mà phải biết cống hiến. Không được sống buông thả, dể dãi, phải làm chủ được mình, không để cho cái xấu xâm nhập. Phải dũng cảm đấu tranh với bản thân để sống tốt, sống có ích cho mình, cho mọi người và cho cộng đồng.
Nhắc lại những thói xấu để tránh xa, sống kiên định lập trường làm cho ta thấy rõ hơn nhân cách con người và là bài học quí cho con người, cho cộng đồng. Đó là bài học quí giá:
Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi dòng mặc ai
Không chỉ nhận thấy cái xấu để tránh xa mà còn biết đấu tranh để cho cả cộng đồng sống văn minh trên cơ sở hiểu, thông cảm, tôn trọng, chia sẻ cùng nhau tiến bộ trong tình nhân ái của con người.
Đề bài 3. Hưởng ứng đợt thi đua “Xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp” do Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn 10A3 tổ chức hội thảo với chủ đề: Hãy vì một ngày mái trường xanh, sạch, đẹp.
Gợi ý làm bài
1. Nên hiểu ý kiến đó như thế nào?
2. Trường của chúng ta như thế nào?
3. Làm thế nào để trường chúng ta xanh, sạch, đẹp?
Bài làm
Cuộc sống của chúng ta đang dần thay đổi từng giờ, từng ngày. Nhiều phát minh mới ra đời, nhiều tri thức mới được khám làm cho cuộc sống trở nên hiện đại hơn, song mặt trái của sự hiện đại ấy là những vấn đề nan giải. Một trong số đó là vấn đề môi trường cần giải quyết kịp thời. Ngay cả trong thế giới học đường, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập và rèn luyện của mỗi học sinh. “Hãy vì một ngày vì mái trường xanh, sạch, đẹp”. Đó chính là bức thông điệp mà tôi muốn gửi tới các bạn thông qua cuộc hội thảo này.
Trường lang bên bến sông quê
Con đò gác mái, hàng tre, gốc bàng.
(Văn Thạch)
Vâng! Hình ảnh về một ngôi trường bên sông với những hàng tre rì rào trong gió, với bóng lá bàng rợp mát mỗi trưa hè ấy thật đẹp đẽ, mộc mạc làm sao! Mái trường xưa với bầu không khí trong lành, tươi mát đã từng in sâu trong kí ức tuổi thơ của mỗi người mà có lẽ bây giờ ta khó có thể gặp lại. Ngôi trường của chúng ta cũng vậy, môi trường trong mát đang dần bị thay thế bởi lớp không khí không thật sự trong lành. Vậy lí do là ở đâu?
Trước hết chúng ta cần nhận ra nguyên nhân đầu tiên là nguyên nhân chủ quan từ phía học sinh trong nhà trường. Hằng ngày, một khối rác được thải ra từ các lớp học là dấu hiệu của sự ô nhiễm. Các bạn thải rác bừa bãi ra khắp nơi như là vỏ kẹo, vỏ trái cây cũng được nhét vào gầm bàn hoặc góc lớp, gây ra mùi vô cùng khó chịu trong lớp. Thế mà có hôm, lớp còn không quét trực nhật lấy lí do là không có chổi, không có dụng cụ hốt rác hay đi học muộn, chuyện gia đình và hàng trăm ngàn lí do khác nhau biện bạch cho hành vi của mình. Thử hỏi các bạn có thể vừa học, vừa “chiến đấu” với thứ mùi “kì lạ” và lũ ruồi muỗi bay vào trong lớp học được không? Câu trả lời chắc chắn là “không”.
Đó mới chỉ là trong lớp học, còn ngoài sân trường thì sao? khi các bạn lớp trực vừa quét xong sân chừng năm phút, mười phút thì lại thấy nhiều bạn thẳng tay ném kẹo cao su vừa nhai xong vào bồn hoa, hay thấy những chiếc máy bay giấy bay la liệt khắp sân trường. Ngoài ra, đằng sau những bãi tập thể dục là một thế giới của các loài côn trùng. Vì chúng bị thu hút bởi mùi rác thải. Vậy cần phải làm gì để mái trường của chúng ta xanh, sạch, đẹp hơn?
Điều quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm của mỗi người học sinh. Các bạn phải biết suy nghĩ về hành động của mình. Hơn thế cán bộ lớp cần có sự phối kết hợp với nhà trường để xử lí những bạn vô ý thức, cố tình làm hại môi trường. Đồng thời nên trồng nhiều cây xanh, bồn hoa, chậu cảnh vừa làm đẹp khung cảnh, vừa có ích cho môi trường. Nếu mọi người đều có những suy nghĩ tích cực, tiến bộ như thế thì chắc chắn học sinh chúng ta sẽ có một môi trường tốt nhất để học tập và tu dưỡng, còn các thầy cô cũng hoàn thành tốt công tác giảng dạy của mình.
Nguyên nhân thứ hai chính là nguyên nhân khách bên ngoài. Nhiều các công trình, nhà máy được xây dựng xung quanh các trường học. Có khi các học sinh đang chăm chú nghe giảng thì bị một làn khói đen phả vào lớp khiến nhiều bạn có biểu hiện nôn mửa, nhức đầu, mệt mỏi. Những nhà máy ấy đã vì lợi ích riêng của mình mà không màn đến sức khoẻ của thầy và trò đang giảng dạy và học tập trong trường, chỉ việc chọn khu đất màu mỡ mà họ nhẫn tâm nhìn con em mình phải hút hít những loại khí độc. Thêm vào đó là nước thải từ các nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Học sinh, thầy cô không những phải nghe những âm thanh ồn ào, khó chịu mà còn phải ngửi những thứ mùi bẩn thỉu, về việc giải quyết vấn đề cần phải có sự quan tâm của các cấp các ngành, nhanh chóng giải phóng các khu nhà máy xây sai quy hoạch để thầy và trò trường ta có một môi trường trong lành đủ sức khoẻ để học tập tốt hơn.
Các bạn ạ! Chắc bây giờ các bạn đã hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường học tập của chúng ta. Bằng những biện pháp đúng đắn và hợp lí, tôi tin tưởng rằng, trường chúng ta sẽ là ngôi trường đẹp nhất. Các bạn ơi! Tôi và các bạn, chúng ta hãy xây dựng một mái trường xanh, sạch, đẹp bắt đầu từ ý thức của mỗi người.
Những thảm cỏ và hệ thống quy hoạch cây xanh làm sân trường rợp bóng mát, có không khí trong lành. Mỗi mùa xuân về, làm theo lời Bác Hồ dạy:
Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Chúng ta nên tổ chức trồng cây. Những rặng cổ thụ bóng mát như những khu rừng cổ tích làm cho mái trường cổ kính trầm mặc. Những cây cảnh trong khuôn viên như một tấm thảm khổng lồ làm cho cảnh quan nhà trường luôn khang trang. Và chúng tôi có sáng kiến đặt những thùng rác hình những cánh chim cánh cụt làm cho môi trường luôn sạch sẽ. Một phần lá phổi xanh bốn mùa được tưới nước luôn cho ta mến yêu mái trường và quyết tâm học tập.
Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp thật sự là một chương trình hành động cụ thể thiết thực đối với mỗi học sinh trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường để chúng ta sống khoẻ, sống có ích vì một ngày mai tươi sáng.
Đề bài 4. Học bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ca ngợi và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước. Hãy cho biết ý kiến của anh (chị).
Gợi ý cách làm bài
1. Những lí lẽ và bằng chứng dẫn đến hai quan niệm khác nhau đó là gì?
2. Ý kiến của anh (chị) về những hoài bão trong bài thơ của Phạm Ngũ Lão như thế nào? Tại sao?.
Bài làm
Đi-đơ-rô từng nói: :”Không có khát vọng lớn thì cũng không có sự nghiệp lớn”. Sống phải có ước mơ những điều lớn lao gắn khát vọng của bản thân với lợi ích của quốc gia - dân tộc. Chúng ta có thể gặp lí tưởng sống cao đẹp ấy ở mọi thời đại. Đó có thể là lòng căm thù giặc sâu sắc, cũng có thể là lòng tự hào dân tộc, nhưng lí tưởng sống được thể hiện qua “nỗi thẹn” thì thật khác thường. Nếu Nguyễn Khuyến: “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” thì Phạm Ngũ Lão - một danh tướng đời Trần lại “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Nguyễn Khuyến thẹn với ông Đào Tiềm vì tiếng là Tam nguyên tổng đốc mà chưa làm được gì cho dân, cho nước thì tại sao Phạm Ngũ Lão lại thẹn với Vũ Hầu, mà có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là quá kiêu kì, thái quá. Ngược lại có bạn ca ngợi và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.
Vậy, ý kiến nào đúng?
Thuật hoài là một trong những tác phẩm của văn học thời Lí Trần, với thể Đường luật ngắn gọn, súc tích, bài thơ đã nói lên được ước mơ của trang nam nhi trong xã hội phong kiến:
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Hai câu thơ bày tỏ nỗi lòng tác giả, cũng là cái chí, cái tâm của người anh hùng. Đối với ý kiến chê bai cho rằng sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì cũng có lí do của nó. Vũ Hầu là ai? Là Gia Các Lượng (tức Khổng Minh). Một nhân vật thời Tam quốc nổi tiếng về mưu lược, tài trí hơn người. Ông đã hi sinh trọn đời cho nhà Hán, là vị quân sư - cố vấn tài ba của Lưu Bị, giúp Lưu Bị đánh bại bao đối thủ tài giỏi, góp công lớn trong việc tạo lập và củng cố nhà Hán. Có thể coi Gia Cát Lượng là một “Chính quân tử”, là tấm gương trung nghĩa kiệt xuất điển hình tài năng quân sự. Mơ ước như Gia Cát Lượng là đúng nhưng hổ thẹn vì mình không được như Gia Cát Lượng là không tự lượng sức mình, là quá kiêu căng, thái quá, đề cao mình chăng? Nếu các bạn có suy nghĩa như vậy thì chỉ là một cách nhìn một phía, mang nặng ý thức chủ quan. Đúng là không có ai có thể trở thành Khổng Minh (Gia Cát Lượng) nhưng Khổng Minh là người thông minh xuất chúng, không phải là thần linh nên ai cũng có thể cố gắng để noi gương. Hơn thế nữa, noi gương Khổng Minh là noi gương những gì? Đó là lòng trung thành, trung quân, ái quốc, là lập công giúp vua, giúp nước. Đây cũng chính là lí tưởng của những đấng nam nhi trong xã hội phong kiến.
Có thể khẳng định rằng, ý kiến thứ hai mới là ý kiến đúng: Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.
Công danh nam tử còn vương nợ.
Quan niệm “nợ công danh” đã trở thành lí tưởng sống của người anh hùng trong xã hội xưa. Thời đại Phạm Ngũ Lão, chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà xây dựng lợi ích của giai cấp phong kiến, “công danh” là một khát vọng lập công, lập danh, hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước.
Sau này, Nguyễn Công Trứ cũng đã khẳng định:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
“Công danh” được xem là dấu hiệu của thành đạt, là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai. Trả xong nợ công danh có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với đời, với dân, với nước. Đồng thời chí làm trai thời bấy giờ có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng hy sinh cuộc đời cho sự nghiệp lớn lao, sự nghiệp cứu nước, cứu dân để cùng trời đất muôn đời bất hủ. Phạm Ngũ Lão đã cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông mấy thu rồi mà vẫn còn thấy mình còn chưa trả xong nợ công danh là bởi vì cái chí ông quá lớn và cái tâm ông đẹp quá.
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Nghĩ đến Vũ Hầu là ước mơ muốn trở thành người có tài cao, chí lớn, đắc lực trong việc giúp vua, giúp nước. Ở đây Phạm Ngũ Lão cảm thấy thẹn khi nhắc đến Vũ Hầu Gia Cát Lượng, vì chưa có tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng để trừ giặc, cứu nước, khôi phục giang sơn cũng có nghĩa là thấy mình chưa xứng đáng là một đấng nam nhi quân tư. Theo tư tưởng nho giáo, có thể thấy Phạm Ngũ Lão rất có ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Đó cũng là biểu hiện khát vọng muốn góp sức mình vào sự nghiệp chung.
Hoài bão lớn của Phạm Ngũ Lão thông qua nỗi thẹn không chỉ thể hiện qua món nợ mà còn ở việc ông không hề nói suông. Ông có ước mơ lớn và đã cố gắng thực hiện hoài bão ấy. Từ một chàng trai không tiếng tăm nơi thôn xóm, ông trở thành một tướng tài, ông trả xong nợ công danh với lịch sử, lịch sử đã gọi tên ông. Thế hệ sau nhớ mãi đến ông cùng với Thuật hoài và tiếp bước lí tưởng sống của tổ tiên. Thanh niên Việt Nam ngày nay phải biết xác định con đường và ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ đó. Tuy nhiên, cần đặt sự tồn tại và phát triển của đất nước lên hàng đầu, rèn luyện đạo đức, tài năng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ kiên trì với mục đích đúng đắn của mình.
Mặc dù ra đời cách chúng ta tám thế kỉ song Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão vẫn luôn mới mẻ và hấp dẫn. Bài thơ có tác dụng giáo dục về nhân sinh quan, về lẽ sống đối với thanh niên. Đặc biệt, qua nỗi thẹn của mình, Phạm Ngũ Lão đã cho chúng ta thấy hoài bão lớn lao và cao đẹp của cuộc đời ông. “Khi lẽ sống thiết tha đến mức trở thành tình cảm, người ta sẽ thực hiện được ước mơ của mình cho dù khó khăn đến đâu”.
Bài thơ nói lên quan niệm sống trong thời kì phong kiến của những người quân tử. Bài thơ chịu ảnh hưởng ý thức hệ phong kiến và mang rõ tính chất “thi dĩ ngôn chí”, đồng thời mang tính chất thời sự: Khi đất nước lâm nguy, vai trò của người anh hùng vô cùng quan trọng. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Người anh hùng chính là những người góp phần làm nên lịch sử luôn trọng danh dự và bảo toàn danh tiết với non sông đất nước, với xã tắc, sơn hà. Vì vậy mà cái thẹn của Phạm Ngũ Lão sẽ sống mãi với lịch sử dân tộc.