Nguyễn Trãi là ngôi sao sáng của văn học yêu nước đầu thế kỉ XV... Nguyễn Trãi là người chiến sĩ xuất xắc trên mặt trận văn hóa. Gắn liền mọi hoạt động văn hóa với sự nghiệp cứu nước, cứu dân, ông đã dùng ngọn bút của mình như một vũ khí chiến đấu, dùng sức mạnh của văn chương để tập hợp lực lượng của ta tiến đánh và làm tan rã quân địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Văn chương của Nguyễn Trãi phục vụ trước hết cho sự nghiệp cao cả của dân tộc ta. Giương cao ngọn cờ nghĩa, chí nhân, Nguyễn Trãi đã gắn liền hoạt động văn hóa của ông với hành động “trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược”, đề cao nhân phẩm “có nhân, có trí, có anh hùng”.
Nguyễn Trãi đồn hết tâm huyết của mình và khí phách anh hùng của dân tộc vào đầu ngọn bút để “vệ Nam”, bảo vệ Nam quốc sơn hà, và “điện Bắc”, dẹp yên giặc phong kiến phương Bắc xâm lược. Ông còn dùng văn chương để góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng nhân cách con người, tâm hồn và cốt cách dân tộc, xây dựng nền văn hóa Đại Việt.
Văn thơ của Nguyễn Trãi tìm sức mạnh chiến đấu, năng lực sáng tạo và nguồn cảm hứng trong mọi hoàn cảnh của thiên nhiên, trong thực tế xã hội và đời sống của nhân dân.
Vì thế, văn của ông “Có sức mạnh như mười vạn hùng binh”; thơ của ông mang khí phách của “thi tướng” trên chiến trận “Tao Đàn”.
... Nguyễn Trãi để lại nhiều tác phẩm văn và thơ. về văn, trước hết phải nói đến “Quân trung từ mệnh tập”, “Đại cáo bình Ngô”, “Chí Linh sơn phú”, “Văn bia Vĩnh Lăng”. Về thơ, phải nói đến “ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập”.
Trong thời kì “bình Ngô”, ngòi bút của Nguyễn Trãi đã có sức mạnh như một mũi tiến công sắc bén. Những bài văn viết trong thời kì này, đã được người đời sau gộp lại trong “Quân trung từ mệnh tập”.
Những lời hiệu triệu quân dân, chiếu dụ hào kiệt, với đạo lí quang minh, ý tình tha thiết, lời văn lôi cuốn, đã góp phần làm cho nhân dân, làm cho mọi người yêu nước ai nấy “đá vàng một tiết, chung thủy một lòng”, “làm cho mọi người đồng tâm hợp lực, tận trung với nước, mưu rửa quốc sỉ, diệt giặc hung tàn”.
Vận dụng tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đề ra và thực hiện kế sách “tám công”... Kế “tám công” là một vũ khí sắc bén đánh vào lòng địch đã thành công rực rỡ, làm cho quần địch hoang mang tan rã, trước sau đã buộc mười một trên ba mươi thành lớn của giặc phải cởi giáp ra hàng. Thật là hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh các dân tộc.
“Đại cáo bình Ngô” được Nguyễn Trãi thảo ra sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó là một áng “thiên cổ hùng vân” của dân tộc ta.
“Đại cáo bình Ngô” có giá trị như bản Tuyên ngôn độc lập thời bấy giờ của nước Đại Việt, là bản tổng kết sâu sắc cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, là bản anh hùng ca chiến thắng của dân tộc ta. “Đại cáo bình Ngô” còn là bản cáo trạng đanh thép những tội ác “trời không dung, đất không tha” của giặc Minh xâm lược, của bọn bành trướng phương Bắc.
“Đại cáo bình Ngô” đã diễn đạt một cách hùng hồn và có hệ thống chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta. Qua cuộc thử thách lịch sử “bình Ngô”, Nguyên Trãi đã khẳng định sức sống mãnh liệt của nền văn hiến Đại Việt, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước ta và sự bình đẳng giữa các dân tộc.
“Đại cáo bình Ngô” ca ngợi những chiến công lừng lẫy của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Nêu cao tinh thần nhân đạo cao cả, lòng yêu chuộng hòa bình của quân dân ta, dập tắt ngòi chiến tranh, mở con đường hòa hiếu, đưa lại “thái bình muôn thuở”. Với ý nghĩa đó, “Đại cáo bình Ngô” còn là một bản Tuyên ngôn nhân đạo và hòa bình của nhà nước Đại Việt.
... Ở Nguyễn Trãi, thơ cũng có nhiều bài tràn đầy hào khí như văn. Nhưng, thơ Nguyễn Trãi thường là nói lên tâm tư tình cảm, thể hiện tấm lòng trung hậu và nhân cách cao quý của ông. Với nội dung trữ tình phong phú, thơ Nguyễn Trãi còn phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và cuộc sống của dân tộc.
Đáng chú ý là thơ Nôm của Nguyễn Trãi lại nhiều hơn thơ chữ Hán. Với “Quốc âm thi tập”, Nguyễn Trãi đã nghiễm nhiên ở vị trí của một trong những người đặt nền tảng cho thơ ca dân tộc. Không những thế, Nguyễn Trãi đã nâng tiếng Việt lên thành ngôn ngữ chính thức của văn học nước ta.
Thơ Nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hóa dân gian, văn học dân gian. Củ khoai, quả ổi, bè rau muống, luống dọc mùng... vốn rất xa lạ với văn chương bác học, đã được Nguyễn Trãi đưa vào thơ Nôm của mình một cách rất tự nhiên. Tục ngữ, thành ngữ, ca dao, những đặc điểm thanh điệu tiếng Việt, tất cả những khả năng phong phú ấy của ngôn ngữ dân gian đã được Nguyễn Trãi khai thác một cách tài tình, để cho hình tượng thơ có nhiều màu sắc dân tộc và lời thơ có âm điệu phong phú. Nguyễn Trãi đã sớm coi trọng làm giàu ngôn ngữ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Nguyễn Trãi tự hào là đã “đi khắp góc biển chân trời của Thần Châu của đất nước” và “đến đâu cũng phóng ngòi bút đề thơ”.
Suối Côn Sơn, sông Bạch Đằng, cửa Đại An, núi Yên Tử, biển Vân Đồn, núi Dục Thúy... trăm núi nghìn sông mĩ lệ và hùng vĩ của Tổ quốc hiện lên trong thơ của ông. Suối Côn Sơn thánh thót như tiếng đàn. Trăm nghìn vòm núi in bóng trong vịnh Hạ Long, giống như những búi tóc của người đẹp soi bóng trong gương để làm duyên: “Non Dục Thúy, mưa tan, đỉnh tựa ngọc - cửa Đại An, triều dậy, nước ngang trời”. Núi sông kì vĩ lại càng kì vĩ, in dấu vết anh hùng của ông cha. Ngắm cảnh sông Bạch Đằng, Nguyên Trãi nhớ tới những trận chiến thắng lớn của dân tộc đã từng tiêu diệt sạch sành sanh kình ngạc trên sông ấy:
“Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,
Qua trầm, kích chiết ngạn tằng tằng”.
Nghĩa là:
“Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,
Giáo gươm chìm gây bãi bao tầng”.
Nét bút Nguyễn Trãi không phải chỉ có hoành tráng mà lại thường tinh tế, nhẹ nhàng, thanh thoát. Một tiếng chim kêu, một cánh hoa bay, một làn hương nhẹ thoảng, mấy giọt mưa thu rơi, một ngọn gió xuân thổi, tất cả đều có thể làm rung động tâm hồn của nhà thơ.
Viết về tác dụng của một làn dân ca, một nét dân nhạc, Nguyễn Trãi đã có những phát hiện tài tình:
“Ngư ca tam xướng, yên hồ khoát,
Mục địch nhất thanh, thiên nguyệt cao”.
Ông chài hát lên ba lần thì mặt hồ phủ khói lại rộng thêm ra. Chú chăn trâu thổi lên một tiếng sáo thì mặt trăng trên bầu trời được đẩy cao hơn. Không gian rộng thêm ra, cao thêm lên, mà chính cũng là tâm hồn con người mở rộng ra lớn thêm lên. Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là như thế.
Sự nhạy cảm của Nguyễn Trãi đối với mọi biểu hiện của cuộc sống thật tinh tế và độc đáo. Vịnh hoa đào trước gió:
“Một đóa đào hoa khéo tốt tươi,
Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười”.
Vịnh cây chuối mới bén “hơi xuân”:
“Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem”.
Tứ thơ hay, lời thơ rất hay, nhịp thơ rộn ràng thường hay gặp trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi là như vậy.
Gặp những cảnh ngộ khó khăn, Nguyễn Trãi vẫn không bao giờ nản chí:
“Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc,
Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh”.
Tóc bạc nhưng mắt xanh, tuổi già nhưng tấm lòng thì trẻ.
Đẹp làm sao mái tóc bạc vì nỗi lo đời, và cũng đẹp vô cùng là đôi mắt xanh thắm thiết yêu cuộc đời, yêu con người.
Nguyễn Trãi đã được đồng chí của ông từ thời kì Lam Sơn ca ngợi:
“Kinh bang hoa quốc cổ vô tiền”.
Nghĩa là: “Lo toan việc nước, làm đẹp cho nước, xưa nay chưa có ai được như thế”.
Với Nguyễn Trãi, nền văn hiến Đại Việt đã vươn lên một tầm cao mới.
Võ Nguyên Giáp
Trích bài “Nguyễn Trãi, người anh hùng
dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất”