Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, lập dàn ý bài văn nghị luận

Thứ sáu - 18/12/2020 04:15
Lập dàn ý cho một văn bản nghị luận là lựa chọn, sắp xếp và triển khai hệ thống các luận điểm, luận cứ theo bố cục ba phần của văn bản. Cần tránh tình trạng chỉ lập dàn ý cho phần giải quyết vấn đề. Làm như vậy, giữa ba phần rất dễ vênh nhau, không liên kết được với nhau, không tạo thành một bài văn hoàn chỉnh.
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, lập dàn ý bài văn nghị luận

LẬP DÀN Ý BÀI VĂN NGHỊ LUẬN


A. NHỮNG KIẾN THỨC CẦN LƯU Ý

Nghị luận là dùng ý kiến, lí lẽ của mình để bàn bạc về một vấn đề nào đó. Văn nghị luận thuyết phục người đọc trước hết ở ý kiến, lí lẽ trình bày trong bài văn. Ý kiến, lí lẽ thực chất là hệ thống các nội dung chủ yếu, những luận điểm, luận cứ cần triển khai.

Do đó, muốn làm được văn bản nghị luận, điều trước tiên là phải có ý, tức là có các nội dung chủ yếu. Những nội dung này được sắp xếp thành các luận điểm, luận cứ. Các luận điểm, luận cứ phải được sắp thành hệ thống, lôgíc, hợp lí, được triển khai trong phạm vi và mức độ nhất định sao cho phù hợp với yêu cầu của đề và thời gian được phép làm bài.

Vì vậy, việc lập dàn ý rất quan trọng đối với quá trình làm bài. Cần phải xem đây là một trong những quy trình để tạo một văn bản nghị luận, tránh tình trạng nghĩ gì viết nấy, nghĩ đến đâu viết đến đó khiến cho bài viết ít hoặc không có hiệu quả.

Lập dàn ý cho một văn bản nghị luận là lựa chọn, sắp xếp và triển khai hệ thống các luận điểm, luận cứ theo bố cục ba phần của văn bản. Cần tránh tình trạng chỉ lập dàn ý cho phần giải quyết vấn đề. Làm như vậy, giữa ba phần rất dễ vênh nhau, không liên kết được với nhau, không tạo thành một bài văn hoàn chỉnh.

B. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

   Phần tác dụng của việc lập ý, sách giáo khoa đã trình bày rất rõ. Sau đây sẽ hướng dẫn các em học phần Cách lập dàn ý bài văn nghị luận.
   Theo đề bài đã cho theo sách giáo khoa, đọc kĩ và lần lượt tiến hành các bước như sau:
1. Tìm ý cho bài văn
      a) Xác định luận đề
      + Vấn đề cần làm sáng tỏ: sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới, sách giúp chúng ta hiểu biết về mọi lĩnh vực trong tự nhiên và trong đời sống xã hội, giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách.
      + Quan điểm của chúng ta về ý kiến trên: tán đồng với ý kiến trên nếu đấy là những loại sách tốt, còn đối với sách độc hại thì ý kiến trên không hoàn toàn đúng.
      b) Xác định các luận điểm.
      Căn cứ vào đề bài, bài văn cần giải quyết ba vấn đề sau:
      + Sách là gì?
      + Sách có tác dụng như  thế nào?
      + Thái độ đối với sách và việc đọc sách như thế nào?
      Từ các luận điểm đã tìm ra, chúng ta phải tìm các luận cứ.
      c) Tìm các luận cứ cho các luận điểm.
      Lần lượt trả lời các câu hỏi:
      - Luận điểm 1: Sách là gì? Sách là sản phẩm tinh thần kì diệu của con người
      + Sách là sản phẩm thuộc lĩnh vực nào của con người? Sách là sản phẩm tinh thần của con người.
      + Sách phản ánh, lưu giữ những thành tựu gì của nhân loại? Sách là kho tàn tri thức của nhân  loại. Nhiều thành tựu của nhân loại từ cổ chí kim đã được ghi chép vào sách.
      + Sách có chịu ảnh hưởng của thời gian và không gian không? Sách giúp ta vượt thời gian và không gian. Ở thế kỉ XXI, chúng ta có thể đọc sách để biết về quá khứ cách đây hàng tỉ năm. Tại Việt Nam, chúng ta có thể biết nhiều chuyện trên thế giới nhờ sách.
      - Luận điểm 2: Sách có tác dụng như thế nào? Sách mở rộng những chân trời mới.
      + Sách đem lại cho con người những hiểu biết gì về tự nhiên và xã hội? Sách giúp chúng ta hiểu biết về mọi lĩnh vực trong tự nhiên và xã hội.
      + Sách có tác dụng như thế nào với cuộc sống riêng tư và quá trình hoàn thiện mình? Sách là người bạn tâm tình gần gũi, giúp ta hoàn thiện mình về nhân cách.
      - Luận điểm 3: Thái độ đối với sách và việc đọc sách như thế nào? Cần có thái độ đúng đối với sách và việc đọc sách:
      + Thái độ đối với các loại sách? Đọc và làm theo sách tốt, phê phán sách có hại.
      + Đọc sách như thế nào là tốt nhât? Tạo thói quen lựa chọn sách, hứng thú đọc và học theo các sách có nội dung tốt.

2. Lập dàn ý:
      Bài văn đã có các ý như trên, nhiệm vụ còn lại là lập được dàn ý cho cả ba phần của bài làm. Cụ thể là:
      a) Mở bài
      Dù mở bài theo cách gì thì cũng phải nêu được vấn đề nghị luận là sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới và phương hướng nghị luận là giải thích và bình luận.
      b) Thân bài
      Ở phần thân bài, cần trả lời ba câu hỏi trong sách giáo khoa như sau:
      - Sắp xếp các luận điểm theo trình tự nào cho hợp lí? Ba luận điểm được sắp xếp như sau là hợp lí:
      + Sách là gì?
      + Sách có tác dụng như thế nào?
      + Thái độ đối với sách và việc đọc sách như thế nào?
      - Sắp xếp các luận cứ cho từng luận điểm như thế nào?
      Từng luận cứ của các luận điểm trên đã được sắp xếp hợp lí, cứ tuân thủ theo sự sắp xếp ấy.
      - Cần triển khai luận điểm và luận cứ nào nhiều nhất? Tại sao?
      + Trong ba luận điểm thì luận điểm thứ hai Sách mở rộng những chân trời mới là luận điểm cần được triển khai nhiều vì đây là nội dung chính của đề.
      + Ở luận điểm 1, luận cứ 2: sách là kho tàng tri thức của nhân loại phải được triển khai nhiều vì đây là ý góp phần làm rõ nội dung chân trời mới.
      + Ở luận điểm 2, cả hai luận cứ cần được triển khai nhiều vì đây là luận điểm chính, tuy nhiên luận cứ 1 phải được triển khai nhiều hơn so với luận cứ 2 vì đây là vấn đề rất rộng và cũng là vấn đề chính.
      + Ở luận điểm 3, có thể triển khai hai luận cứ bằng nhau.
      - Sử dụng các kí hiệu đặt trước đề mục của dàn ý
      Nhìn chung, các luận điểm và luận cứ nên sử dụng các kí hiệu như sau:
      Các luận điểm dùng kí hiệu gạch ngang (-).
      Các luận cứ dùng kí hiệu dấu cộng (+). Nếu các luận cứ còn có bậc nhỏ hơn thì dùng dấu sao (*).
      Có thể thấy mô hình ấy trong một luận điểm như sau:
      -
      +
      *
      v,v…
      c) Kết bài
      Trong kết bài có thể nhấn mạnh hoặc mở rộng vấn đề. Nhấn mạnh vấn đề là nêu vấn đề trọng tâm nhất theo yêu cầu của đề để khắc sâu và gây ấn tượng cho người đọc.
      Mở rộng vấn đề là từ vấn đề vừa nghị luận, hướng người đọc đến vấn đề cao hơn hay một vấn đề khác có liên quan mật thiết. Ở đề này có thể mở rộng vấn đề như: học những điều hay trong sách bên cạnh việc học trong thực tế cuộc sống.  

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP VÀ THỰC HÀNH

1. a) Bổ sung ý còn thiếu:
   Với dàn ý một bạn đã tìm, ta thấy cần bổ sung thêm hai ý sau mới hoàn chỉnh:
      - Đức và tài có quan hệ khăng khít với nhau trong mỗi con người.
      - Cần phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu để có cả tài và đức.
      b) Lập dàn ý cho bài văn:
      - Mở bài:
      + Giới thiệu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
      + Định hướng tư tưởng của bài viết.
      - Thân bài:
      + Giải thích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với các ý một bạn đã tìm và chúng ta vừa bổ sung.
      + Lời dạy của Bác có ý nghĩa sâu sắc đối với việc rèn luyện, tu dưỡng của từng cá nhân.
      - Kết bài:
      Cần phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu để có cả tài lẫn đức.

2. Lập dàn ý cho đề bài ở bài tập này như sau:
   a) Mở bài:
      + Những khó khăn trong cuộc sống thường hạn chế việc phát huy khả năng của con người. Từ thực tế đó, tục ngữ có câu: Cái khó bó cái khôn.
      + Câu tục ngữ trên có giá trị như thế nào? Ta cần hiểu và vận dụng vào cuộc sống như thế nào cho đúng?
   b) Thân bài:
      + Ý nghĩa của câu tục ngữ:
      * Cái khó là những khó khăn trong thực tế cuộc sống; bó là sự trói buộc; cái khôn là khả năng suy nghĩ, sáng tạo.
      * Câu tục ngữ nêu bài học: Những khó khăn trong cuộc sống hạn chế việc phát huy tài năng, sức sáng tạo của con người.
      + Bài học trên có mặt đúng nhưng đồng thời cũng có mặt chưa đúng.
      * Mặt đúng: Sự phát triển chủ quan bao giờ cũng chịu ảnh hưởng, tác động của hoàn cảnh khách quan. Ví dụ: Có điều kiện thuận lợi trong học tập như thời gian, tài liệu, thầy dạy giỏi, bạn tốt,… thì ta có thể học tập tốt hơn. Ngược lại thì kết quả học tập bị hạn chế.
      * Mặt chưa đúng: Bài học trên còn phiến diện, chưa đánh giá đúng mức vai trò của sự nỗ lực chủ quan của con người.
      + Câu tục ngữ cho ta nhiều bài học quý:
      * Khi tính toán công việc, lập kế hoạch,… cần tính đến những điều kiện khách quan nhưng không nên quá lệ thuộc vào những điều kiện đó.
      * Trong hoàn cảnh nào cũng đặt lên hàng đầu sự nỗ lực chủ quan, lấy ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn.
   c) Kết luận:
      + Hoàn cảnh khó khăn, ta càng phải quyết tâm khắc phục.
      + Khó khăn chính là môi trường rèn luyện bản lĩnh, giúp ta thành công trong cuộc sống. Đúng như ông cha ta đã dạy: Cái khó bó cái khôn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây