PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT
A. NHỮNG KIẾN THỨC CẦN LƯU Ý
Bài học có hai nội dung chính là ngôn ngữ nghệ thuật và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật được trình bày rất mạch lạc. Xin bổ sung một vài điều sau:
Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ dùng trong các tác phẩm văn chương. Ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày làm chất liệu, nhưng có điểm khác so với ngôn ngữ sinh hoạt. Ngoài chức năng thông tin, ngôn ngữ nghệ thuật còn mang chức năng thẫm mĩ, tức nó làm thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người bằng cách tổ chức, xếp đặt, lựa chọn, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật - thẩm mĩ. Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm.
Ngôn ngữ gợi hình là ngôn ngữ có khả năng tái hiện hiện thực, làm xuất hiện ở người đọc những biểu tượng về thị giác, tính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác, những biểu tượng vận động về người, vật, việc, cảnh đời… được nói tới ở tác phẩm như trong thực tế.
Ngôn ngữ gợi cảm là ngôn ngữ chẳng những làm cho người đọc hiểu mà còn làm cho ở người đọc cũng nảy sinh cảm xúc, tâm trạng, tình cảm, thái độ… như ở tác giả hay như tác giả muốn gợi ra.
Ngoài hai tính chất trên, ngôn ngữ nghệ thuật còn mang tính cá thể. Ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt chung khi được các nhà văn, nhà thơ sử dụng thì nó tạo nên một giọng điệu riêng, một phong cách riêng không ai giống ai. Tính cá thể không chỉ biểu hiện ở ngôn ngữ của tác giả mà nó còn được biểu hiện ở vẻ riêng của từng nhân vật trong tác phẩm. Ngôn ngữ của Hoạn Thư (Truyện Kiều) đầy lí trí khác với ngôn ngữ của Sở Khanh khoác lác, trống rỗng… Tính cá thể còn thấy ở cách diễn đạt từng sự việc sự vật, hình ảnh… Truyện Kiều có nhiều buổi chiều nhưng không buổi chiều nào giống buổi chiều nào. Đây là một buổi chiều nuối tiếc hội xuân chóng tàn:
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Và đây là một buổi chiều lưu luyến của một mối tình đã bén nhưng chưa được ngỏ:
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
B. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP THỰC HÀNH
1. Những phép tu từ thường được sử dụng để tạo ra tính hình tượng của ngôn ngữ văn chương là so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng… Ví dụ:
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng.
Bài ca dao sử dụng biện pháp so sánh: mây như bông, bông như mây, đội bông như đội mây. Hình ảnh bông, mây được láy đi láy lại nhiều lần gợi cảm giác về độ tràn ngập của màu trắng, của một vụ bội thu bông. Bức tranh toàn màu sáng lại được điểm tô chút màu đỏ của những đôi má trẻ trung khiến bức tranh càng trở nên đẹp đẽ, đầy sức lôi cuốn.
2. Trong ba đặc trưng (tính hình tượng, tính truyền cảm và tính cá thể hoá), tính hình tượng là đặc trưng cơ bản của phong cách nghệ thuật vì:
a) Đặc trưng cơ bản của sáng tạo văn học là tính hình tượng. Nhà văn xây dựng hình tượng nghệ thuật nhằm phản ánh thế giới khách quan và thể hiện sự cảm nhận, đánh giá chủ quan của người nghệ sĩ đối với hiện thực. Vì vậy, hình tượng là mục đích của mọi sáng tạo văn học. Để xây dựng hình tượng nghệ thuật, nhà văn phải dùng ngôn ngữ. Nói cách khác, ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt hình tượng. Vì vậy, ngôn ngữ văn học cũng phải có tính hình tượng.
b) Trong hình tượng ngôn ngữ đã có những yếu tố gây xúc cảm, tình cảm, nghĩa là nó đã mang tính truyền cảm. Hình tượng con án đưa thoi trong Truyện Kiều:
Mùa xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Gợi cảm về một sự lưu luyến, nuối tiếc trước sự trôi nhanh của thời gian mùa xuân.
Nỗi niềm lưu luyến, nuối tiếc ấy xuất phát từ tình yêu tha thiết của con người đối với mùa xuân.
c) Cách sử dụng ngôn ngữ của người nghệ sĩ là một sáng tạo nghệ thuật có phong cách riên, mang tính cá thể hoá.
Như vậy, bản thân tính hình tượng đã bao trùm cả tính truyền cảm và tính cá thể hoá.
3. Lựa chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống
a) Điền từ canh cánh vào chỗ trống trong câu Nhật kí trong tù /…/ một tấm lòng nhớ nước. Các từ biểu hiện, phản ánh, thấm đượm, bộc lộ không gợi được cảm xúc thường trực trong lòng người tù Hồ Chí Minh.
b) Trong đoạn thơ sau, điền từ rắc vào dòng thứ ba và từ giết vào dòng thứ tư:
Ta tha thiết tự do dân tộc
Không chỉ vì một giải đất riêng
Kẻ đã /…/ trên mình ta thuốc độc
/…/ màu xanh cả Trái Đất thiêng.
Các từ gieo, vãi, phun, rắc cùng nằm trong một trường nghĩa nhưng từ rắc có một nét nghĩa mà các từ kia không có. Rắc là làm cho vật có dạng hạt nhỏ, dạng bột rơi đều khắp trên một bề mặt. Chính nét nghĩa đều khắp trên một bề mặt nói đầy đủ nhất ý đồ man rợ, độc ác của đế quốc Mĩ.
Các từ huỷ, diệt, triệt, tiêu, giết cũng thuộc một trường nghĩa nhưng từ giết với nghĩa là làm cho chết một cách đột ngột, bất thường thể hiện được tội các man rợ của kẻ thù.
4. Mùa thu trong Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư và đất nước của Nguyễn Đình Thi có những nét riêng về từ ngữ, nhịp điệu và hình tượng thơ, thể hiện tính cá thể trong ngôn ngữ. Ta có thể so sánh để thấy những nét riêng đó như sau:
a) Cùng viết về mùa thu nhưng ba tác giả trên viết ở ba thời đại khác nhau. Nguyễn Khuyến viết vào thời kì phong kiến, thuộc phạm trù văn học trung đại. Cùng thuộc phạm trù văn học trung đại nhưng Tiếng thu của Lưu Trọng Lư viết vào thời kì đất nước ta đang rên xiết dưới gót giày thực dân còn Đất Nước của Nguyễn Đình Thi viết khi dân tộc ta đã dành được độc lập dân tộc. Mỗi một thời đại có một đặc trưng thi pháp riêng, mỗi một thi nhân có một tâm trạng, một cái nhìn về cuộc đời riêng.
b) Cách lựa chọn từ ngữ để xây dựng hình tượng mùa thu của mỗi tác giả mỗi khác. Nguyễn Khuyến miêu tả mùa thu theo bút pháp chấm phá, nhịp thơ chậm rãi , từ ngữ miêu tả gợi nên sự tĩnh lặng, đượm vẻ buồn của một người mang trong mình một nỗi u hoài trước thời thế. Khi cái Tôi cá nhân của người nghệ sĩ thoát khỏi hệ thống ước lệ, tượng trưng và phi ngã của thi pháp trung đại, Lưu Trọng Lư miêu tả mùa thu bằng cặp mắt xanh non, biếc rờn (chữ dùng của Hoài Thanh) của mình. Các từ láy xào xạc, ngơ ngác cùng với hình ảnh con nai vàng ngơ ngác tạo nên nét riêng trong tiếng thu của một nghệ sĩ cảm thấy lạc loài, cô đơn giữa cuộc đời. Các từ vui, phấp phới, các hình ảnh Trời thu thay áo mới, nói cười thiết tha tạo nên một vẻ sống động, đầy sinh khí của mùa thu trong Đất Nước của Nguyễn Đình Thi, một nhà thơ tài hoa được sống dưới bầu trời tự do của Tổ quốc.