Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Nghị luận trong văn bản tự sự

Thứ hai - 09/09/2019 04:38
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Nghị luận trong văn bản tự sự
I. Tính chất, ý nghĩa
Lập luận trong văn bản tự sự thường xuất hiện ở những đoạn văn, trong đó người nói, người viết nêu ra những lí lẽ, dẫn chứng để trình bày, thuyết phục người đọc, người nghe về một vấn đề nào đó, hoặc kí thác, thổ lộ một cách ứng xử, một quan niệm, một triết lí nào đó.
Lập luận trong văn tự sự không nên lấn át lời kể, tình tiết vì dễ khô khan, duy lí.

II. Cách thể hiện lập luận trong văn tự sự
- Một là, thông qua nhân vật.
- Hai là, tác giả phát biểu trực tiếp ý nghĩ, ý tưởng của mình. Trường hợp này gọi là câu văn, đoạn văn trữ tình ngoại đề.
Ví dụ
a. Dế Choắt bị chị Cốc mổ cho, nằm thoi thóp, sắp chết. Trước sự ân hân của Dế Mèn, Dế Choắt đã nói:
Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy”.
-> Tô Hoài đã qua nhân vật Dế Choắt nêu lên bài học đường đời, nhằm khuyên can những kẻ hung hăng bậy bạ chớ mua oán chuốc thù, vừa mang vạ vào thân vừa gây tai họa cho người.
b. Đoạn văn sau đây rút trong bài “Lao xao” của Duy Khán cũng mang tính lập luận rất rõ khi nói về sự hoàn lương của những kẻ xấu trong xã hội:
Người ta nói chèo bẻo là kẻ cắp. Kẻ cắp hôm nay gặp bà già. Nhưng từ đây tôi lại quý chèo bẻo. Ngày mùa, chúng thức suốt đêm. Mới tờ mờ đất nó đã cất tiếng gọi người: “Chè cheo chét”... Chúng nó trị kẻ ác. Thi ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm”.
c. Đoạn văn sau đây trích trong bài “Hai cây phong”, Ai-ma-tốp đã sử dụng cách lập luận để nói lên lòng biết ơn của họa sĩ, của bao thế hệ học trò và nhân dân làng Ku-ku-rêu đối với thầy Đuy-sen, người thầy đầu tiên của họ. Bài học “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được diễn tả một cách thấm thía, nên thơ:
Tôi lắng nghe tiếng hai cây phong rì rào, tim đập rộn ràng vì thảng thốt và vui sướng, rồi trong tiếng xạc xào không ngớt ấy, tôi cố hình dung ra những miền xa lạ kia. Thuở ấy, chỉ có một điều tôi chưa hề nghĩ đến: ai là người đã trồng hai cây phong trên đồi này? Người vô danh ấy đã ước mơ gì, đã nối những gì khi vùi hai gốc cây xuống đất, người ấy đã ấp ủ những niềm hi vọng gì khi vun xới chúng nơi đây, trên đỉnh đồi cao này? 
Quả đồi có hai cây phong ấy, không biết vì sao ở làng tôi họ gọi là “Trường Đuy-sen”.
d. Cuối cảnh báo ân báo oán là lời phát biểu của thi hào Nguyễn Du về số phận của bọn bạc ác, tinh ma ở đời, khẳng định quy luật: “ác giả ác báo”, ước mơ về công lí được thể hiện:
“Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà,
Bên là Ưng, Khuyển, bên là sở Khanh,
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
Các tên tội ấy đáng tình còn sao ?
Lệnh quân truyền xuống nội đao,
Thề sao thì lại cứ sao gia hình.
Máu rơi thịt nát tan tành,
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời!
Cho hay muôn sự tại trời,
Phụ người chẳng bỏ khi người phụ ta!
Mấy người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương !
Ba quân đông mặt pháp trường,
Thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi”.
đ. Truyện “Bến quê” có nhiều đoạn văn, qua đó Nguyễn Minh Châu nêu lên những suy ngẫm, những triết lí về cuộc sống, về đời người như cái đẹp, cái đáng yêu bình dị, thân thuộc của quê hương, về tình nghĩa vợ chồng, tình cha con, sự lạc lối quanh co trong cuộc sống của mỗi con người, niềm khao khát của những con người trong đau ốm biết mình sớm muộn cũng qua đò sang thế giới bên kia.
Nhĩ sai đứa con trai tên là Tuấn đi sang bên kia sông. Một lúc sau, anh nhìn thấy bóng con. Rồi anh đắm chìm trong những trầm tư suy ngẫm:
“Thì ra thằng con trai của anh chỉ mới đi được đến hàng cây bằng lăng bên kia đường. Thằng bé vẫn cắp cuốn sách bên nách đang sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố. Suốt đời Nhĩ cũng đã từng chơi phá cờ thế trên nhiều hè phố, thật là không dứt ra được. Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày, Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điêu vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại, nó đã thấy cố gì đáng hấp dần ở bên kia sông đâu? Họa chảng chỉ có anh dã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lần mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nổi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết”...

III. Luyện tập
Thoắt trông nàng đã chào thưa:
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây !
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan !
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”. 
Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca.
Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.
Khen cho: “Thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời.
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra, thì cũng ra người nhỏ nhen.
Đã lòng tri quá thì nên,
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”.
                                                             (“Truyện Kiều”  Nguyễn Du)
Câu hỏi
a. Trong mấy câu đầu đoạn thơ, nàng Kiều đã nói với Hoạn Thư những gì ? Hãy chuyển những lời của nàng Kiều thành một đoạn văn lập luận.
b. Hoạn Thư đã biện bạch như thế nào mà nàng Kiều phải khen rằng: “Khôn ngoan đêh mực, nói năng phải lời”. Hãy tóm tắt các nội dung lí lẽ trong lời biện bạch của Hoạn Thư để làm sáng tỏ lời khen của nàng Kiều.
Gợi ý
a. Nguyễn Du đã dùng 5 câu thơ (đầu đoạn thơ) ghi lại những lời Kiều đã nói với Hoạn Thư trước pháp trường báo oán:
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây !
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan !
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”.
- Có thể chuyển những lời của nàng Kiều thành một đoạn văn lập luận như sau:
Tên tội phạm Hoạn Thư bị điệu ra pháp trường. Kiều đã “chào thưa” bằng hai tiếng “tiểu thư” rất mỉa mai. Kiều đã chỉ rõ “thói hồng nhan” là “dễ dàng”, là dịu dàng, hiền hậu... Thế nhưng nàng (Hoạn Thư) là một người đàn bà ghê gớm, ít thấy trong cuộc đời xưa nay (Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan). Nàng đã gây ra bao oan nghiệt, đau khổ cho người khác thì phải chuốc lấy oan trái, phải bị trừng phạt nặng nề. (Giọng nói, cách lập luận của Kiều vừa mát mẻ mỉa mai, vừa đay nghiến, thể hiện một cuộc báo oán, trả thù quyết liệt sắp xảy ra).
b. Nguyễn Du đã dùng 8 câu thơ để diễn tả lời biện bạch của Hoạn Thư. Có thể tóm tắt các nội dung lí lẽ trong lời biện bạch của Hoạn Thư như sau:
- Tôi chỉ là một người đàn bà tầm thường (chút phận đàn bà). Ghen tuông là chuyện “thường tình” của đàn bà, cũng là của tôi. Vì thế, “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”.
- Đối với nàng (Kiều), tôi “những kính yêu” và có chút ân tình như đã cho ra Quan Âm các viết kinh, và khi nàng bỏ trốn tôi cũng “chẳng theo”, chẳng truy tìm.
- Tôi trót đã gây ra nhiều “chông gai” đau khổ cho nàng. Tôi chỉ còn trông mong vào “lượng bể” bao dung độ lượng của nàng “thương bài cho chăng ?”.
-> Cách biện bạch của Hoạn Thư vừa có tình vừa có lí, đánh trúng tâm lí và lòng nhân hậu của Kiều, nên nghe xong, Kiều đã phải khen rằng: “Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời”, rồi cao thượng tha bổng cho tiểu thư họ Hoạn: “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”.

* Bài đọc tham khảo
Hồ Chí Minh: Niềm hi vọng lớn nhất
Niềm hi vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Song, ở Việt Nam niềm hi vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ đến lúc này tôi mới càng cảm thấy hiện rõ một ông cụ vóc tầm thước, điềm đạm mà tôi có may mắn được gặp vào tháng 10 năm 1966 trong căn nhà đơn sơ của Người ở Hà Nội. Lòng kính yêu và quý trọng vô hạn của người Việt Nam đối với Bác Hồ đã đưa tôi đến với Người như đến với một người đã rất thân và kính trọng, trạc tuổi với ba tôi đã qua đời.
Lúc đó, cuộc leo thang ném bom của giặc Mĩ là mối đe dọa thường xuyên. Đêm biến thành ngày, ngày là đêm. Tôi được đến thăm Người trước 6 giờ, vào giờ ăn sáng. Tôi không bao giờ quên cảm giác trong mát và sảng khoái của buổi sáng hôm ấy dưới bầu trời ửng hồng của Hà Nội đang chiến đấu. Những cô gái tiếp tục cảnh giới trên các mái nhà sau một đêm không ngủ, khi có còi báo động...
Chúng tôi bước vào một vườn cây xanh, sương ban mai còn đọng trên lá. Ánh sáng tỏa khắp rừng cây cổ thụ trong sự yên lặng khó tả. Có thể ánh sáng của một con người vĩ đại mà tôi sẽ gặp, thôi thúc tôi bước nhanh hơn. Chúng tôi đi giữa hai hàng cây trên một đoạn đường ngắn và đủ để tôi nhớ lại tất cả những điều mà tôi biết về Bác Hồ, người đứng đầu Nhà nước, một nhà thơ, một chiến sĩ. Những bài thơ Người viết trong nhà tù chứa đầy ánh trăng dịu hiền và khát vọng tự do. Tôi thường ôn lại một trong những bài thơ Người viết trong những giờ phút đen tối đó:
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ.
Người ngắm tràng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
Tôi biết, trong 40 năm ròng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh quên mình, đấu tranh bất hợp pháp. Nhưng khi trả lời câu hỏi của nhà báo nước ngoài: “Cụ đã ở tù bao nhiêu năm ?” Người chỉ nói bằng ý rất thơ:
- Thời gian trong tù bao giờ cũng dài.
Đồng chí Grêcốp, đại sứ Bungari ở Hà Nội kể lại:
Khi đồng phí Anđrây Bansép, bác sĩ của chúng ta hi sinh ở Việt Nam trong khi làm nghĩa vụ quốc tế của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến Sứ quán Bungari
không cầm được nước mắt, hỏi: “Chúng ta sẽ báo tin cho mẹ đồng chí đó như thế nào?”. Và khi tới thăm Xôphia, Người muốn được gặp mẹ đồng chí Bansép. Những vấn đề quốc gia quan trọng không làm cho Người quên sự quan tâm đến một bà mẹ có đau thương. Chính mẹ đồng chí Bansép đã kể lại cho tôi kỉ niệm rất cảm đông về cuộc gặp gỡ ấy và sự thông cảm qua giọng nói ấm áp của mình.
Như một vị thượng khách, Người đã để lại trên đất nước chúng tôi câu nói quý giá: “Ngày nay, nhân dân Bugari đã tự tạo được ngay cả những đồng xu mà họ cần thiết”. Người không có cuộc sống cá nhân nào khác, ngoài tình thương yêu đối với toàn thể nhân dân cả nước. Thu Hà, một em bé Việt Nam luôn luôn hát bài âu yếm như sự âu yếm của tuổi thiếu niên đối với Bác Hồ, và trong cả tuổi niên thiếu của mình, cố gắng, chăm chỉ với những bàn tay nhỏ bé học băng bó vết thương, cứu giúp các em khác trong các trận mưa bom... để đạt danh hiệu cao nhất - “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Tên Bác Hồ đối với tất cả thiếu nhi Việt Nam giống như một câu chuyện thần thoại mà các em rất quý mến và ưa thích khi được nghe kể.
Chúng tôi dừng lại trước cánh cửa đã mở của một căn nhà nhỏ phủ đầy bóng mát. Cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là lọ hoa hồng trên bàn và một cụ già vóc người tầm thước mà tôi đã được biết qua tranh ảnh. Đó là người Việt Nam cao nhất trong số những người Việt Nam mà tôi đã gặp. Người có đôi mắt đăm chiêu, và có thể là người đăm chiêu duy nhất ở Việt Nam.
Tôi tự hỏi: - Đâu là nguồn gốc bí ẩn của nỗi buồn thầm kín đó? Có thể là sự đau khổ của nhân dân, cũng có thể người linh cảm trước rằng sẽ không được nhìn thấy ước mơ của cả đời mình - giải phóng và thống nhất Tổ quốc của Người - được thực hiện. Nhưng Người đã thấy cuộc đấu tranh anh hùng trên Tổ quốc thân yêu do Người lãnh đạo và tin tưởng vào thắng lợi trong tương lai...
Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà Người nói rất giỏi. Nhà thơ Tố Hữu cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ. Chúng tôi uống ướp hương sen không có đường như sinh hoạt trong một gia đình bình dị nhất.
Người là chủ nhà, là chủ cả đất nước mà chỉ mặc bộ quần áo bà ba giản dị, chân đi đôi dép cao su không tất. Bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn lọ hoa hồng - ở đây hoa hồng được coi là sự chúc mừng đối với Tổ quốc tôi - Người nói bằng lời nói để hiểu rằng trong mọi hoàn cảnh, Người vẫn được lọ hoa hồng đặt lên bàn làm việc. Chỉ có sự hà khắc trong nhà tù mới tước mất thói quen đó của Người. Lúc này tôi mới cảm nhận ý nghĩa những bông hoa hồng nảy nhụy, tỏa hương trên chiếc cầu nối liền hai nước xa xôi chúng ta là như thế nào.
Người hỏi tôi đã đi thăm những nơi nào ở Việt Nam. Người vui mừng khi biết tôi đã được vào thăm Khu Bốn, một vùng bị ném bom đánh phá ngày đêm, để tận mắt thấy lòng dũng cảm kinh ngạc của những con người bình thường. Người sửa cho tôi phát âm chữ “Thanh Hóa” và giải thích thêm âm thứ hai “hoa”, ví dụ như “hoa” hồng. Tôi không thể tìm cách lặp lại đúng phát âm của chữ “hóa”. Người lưu ý tôi về nhạc điệu của tiếng Việt, vạch vào không khí những bậc, những nốt và chỉ dẫn cho tôi cách lên xuống giọng và những âm nào cần nói như hát. Phải là một nhà thơ thực thụ mới có thể cảm thấy đúng từng thanh điệu chi tiết như vậy trong tiếng nói của dân tộc mình.
... Chúng tôi nói về thị trấn Phủ Lý bị tàn phá ác liệt trước đó mấy ngày. Tôi vẫn còn có những cảm giác nóng hổi về cái miệng núi lửa sâu thẳm, trong đó đã thiêu cháy thị trấn đẹp đẽ này, nơi tôi đã đi qua trước khi nó bị tàn phá. Không để tôi tự trấn tĩnh, Người kể tiếp là đã từng chứng kiến sự bình tĩnh và dũng cảm của nhân dân mình, nhưng một điều ngạc nhiên nhất trong chiến đấu là sự gan góc của phụ nữ Việt Nam.
Khi tiễn tôi ra về, theo tập quán của Việt Nam cũng như của Bungari, chúng tôi dừng lại ở cửa hồi lâu, nói những câu cuối cùng về văn thơ của Người, mà không muốn chia tay. Qua nụ cười dí dỏm, Người nói rằng, Người không phải là nhà thơ. Trong nhà tù, không có việc gì làm, nên Người cũng “tập ghép vần” thêm. Tôi rút trong túi sách của mình ra tập “Nhật ký trong tù” của Người đã được dịch ra tiếng Pháp và xin Người cho chữ kí kỉ niệm. Tôi làm việc này sau khi gần tạm biệt Người. Con người vĩ đại có một thứ ánh sáng rất kì diệu. Người có phong cách rất tự tin và bình dị. Chính vì thế mà lúc nào tôi cũng cảm thấy gắn bó với hình ảnh của Người.
Ngày nay tôi rất xúc động nhìn lại nét chữ chân phương, điềm đạm của Người với màu mực còn đỏ tươi trên trang đầu của tập thơ.
Trong những ngày thành phố và làng mạc Việt Nam có nguy cơ biến thành trơ trụi, sự tàn phá đang đe dọa Thủ đô Hà Nội và sự chết chóc đang đe dọa những em bé Việt Nam, trong tình huống đó, với sức yếu đuối của tuổi già, Người vẫn giữ được tự chủ trong quan niệm cũng như trong hành động. Người hi vọng rất sâu sắc vào nhân dân, cũng như nhân dân đặt hi vọng to lớn vào lãnh tụ của mình.
Sự chết chóc không thể nào dập tắt được niềm hi vọng đó.
Tôi ra về. Một ông cụ vóc người tầm thước, đôi mắt đăm chiêu, mặc bộ đồ quần áo bà ba màu cà phê, chân đi đôi dép cao su không tất dừng lại ở ngưỡng cửa.
Hồ Chí Minh ! Niềm hi vọng lớn nhất!
                                                                                                 Blaga Đimitrôva
                                                                                               (Nữ văn sĩ Bungari)
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây